Sơ lược báo cáo giá và tình hình kinh tế – xã hội quý IV/2020 và cả năm 2020 ngành Xây dựng – Công nghệ mỏ – Giao thông
Chiều ngày 27/12/2020, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý IV và năm 2020. Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng chủ trì cuộc họp báo. Tại buổi Họp báo Bà Nguyễn Thị Hương, đã công bố những vấn đề cơ bản về tình hình kinh tế – xã hội của Việt Nam trong quý IV/2020 và năm 2020. Theo đó, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2020 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý IV các năm trong giai đoạn 2011-2020. Tính chung năm 2020, GDP tăng 2,91% (Quý I tăng 3,68%; quý II tăng 0,39%; quý III tăng 2,69%; quý IV tăng 4,48%), tuy là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2020 nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội thì đây là thành công lớn của Việt Nam. Mức tăng trưởng năm 2020 của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới. Điều này cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế – xã hội”.
1. Diễn biến giá tiêu dùng tháng 12 của một số nhóm hàng chính
Nhà ở và vật liệu xây dựng (-0,03%)
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,03% so với tháng trước chủ yếu giảm ở giá mặt hàng điện và nước sinh hoạt. Thời tiết lạnh ở các tỉnh phía Bắc và dịu mát ở các tỉnh miền Nam nên nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt giảm làm cho chỉ số giá điện giảm 1,38%, chỉ số giá nước giảm 0,03% so với tháng trước.
Ở chiều ngược lại, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng có các mặt hàng tăng giá như sau:
– Giá gas tháng 12/2020 tăng 1,87% so với tháng trước. Từ ngày 01/12/2020 giá gas trong nước điều chỉnh tăng 6.500 đồng/bình 12 kg do giá gas thế giới bình quân công bố ở mức 455 USD/tấn, tăng khoảng 20 USD/tấn so với tháng 11 năm 2020;
– Nhóm vật liệu, bảo dưỡng nhà ở tăng 0,17% so với tháng trước, tăng chủ yếu ở giá cát do nguồn cung giảm khi việc khai thác gặp khó khăn trong mùa mưa, trong khi nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà cửa cuối năm tăng cao;
– Giá dầu hỏa bình quân tăng 9,45% so với tháng trước do ảnh hưởng từ đợt điều chỉnh ngày 26/11/2020, 11/12/2020 và ngày 26/12/2020.
Giao thông (+2,45%)
Chỉ số giá nhóm giao thông tăng 2,45% so với tháng trước, chủ yếu ở những mặt hàng sau:
Giá xăng dầu điều chỉnh tăng vào ngày 26/11/2020, 11/12/2020 và ngày 26/12/2020, trong đó: giá xăng E5 tăng 1.630 đồng/lít, giá xăng A95 tăng 1.770 đồng/lít, giá dầu diezen tăng 1.540 đồng/lít so với tháng trước. Theo đó, chỉ số giá xăng dầu tăng 6,52% so với tháng trước làm cho CPI chung tăng 0,23%.
Giá xe máy tăng 0,18%, giá phụ tùng tăng 0,03%, giá dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 0,3% do nhu cầu mua sắm, sửa chữa cuối năm tăng.
2. Tổng quan thị trường và giá cả quý IV/2020
CPI quý IV/2020 tăng 0,22% so với quý trước và tăng 1,38% so với cùng kỳ năm trước. So với cùng quý năm trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 8 nhóm hàng tăng giá, trong đó có nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,51%. Có 3 nhóm giảm giá gồm Giao thông giảm 12,82%
Một số nguyên nhân làm giảm CPI quý IV/2020 so với cùng kỳ năm trước:
(1) Trong quý IV/2020, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 8 đợt tăng/giảm khác nhau giữa các loại xăng và dầu diezen. Bình quân quý IV/2020 giá xăng dầu giảm 25,70% so với cùng kỳ năm trước.
(2) Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giảm giá vé tàu hỏa, theo đó, giá vé tàu hỏa quý IV/2020 giảm 3,76% so với cùng kỳ năm trước. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu đi lại của người dân giảm làm cho giá vé máy bay quý IV/2020 giảm 37,67% so với cùng kỳ năm trước.
(3) Dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến ngành du lịch, nhu cầu du lịch của người dân giảm so với cùng kỳ. Chỉ số giá dịch vụ du lịch trọn gói quý IV/2020 giảm 4,82% so với cùng kỳ năm trước.
3. TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG VÀ GIÁ CẢ NĂM 2020
Chỉ số giá tiêu dùng năm 2020 tăng 3,23% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ CPI bình quân năm 2019 dưới 4% của Quốc Hội đề ra đã đạt được trong bối cảnh một năm với nhiều biến động khó lường.
Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số nguyên nhân kiềm chế CPI năm 2020 như sau:
– Giá xăng dầu, giá gas trong nước giảm mạnh theo giá thế giới là yếu tố chính làm giảm áp lực lên mặt bằng giá trong các tháng từ tháng 2 đến tháng 5 năm 2020. Giá xăng dầu trong nước bình quân năm 2020 giảm 23,03% so với năm trước tác động làm CPI chung giảm 0,83%; Giá gas bình quân năm 2020 giảm 0,95% so với năm trước; Giá dầu hỏa bình quân năm 2020 giảm 31,21% so với năm trước;
– Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu đi lại của người dân giảm, bình quân năm 2020 so với năm trước, giá vé máy bay giảm 34,7%; giá vé tàu hỏa giảm 2,12%;
– Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19. Cụ thể, gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triển khai giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng với thời gian là từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020. Theo đó, giá điện tháng 5 (dựa trên sản lượng và doanh thu điện sinh hoạt từ ngày 01/4/2020 đến ngày 30/4/2020) và tháng 6 năm 2020 (dựa trên sản lượng và doanh thu điện sinh hoạt từ ngày 01/5/2020 đến ngày 31/5/2020) giảm lần lượt là 0,28% và 2,72% so với tháng trước;
– Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các ngành các cấp đã tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để ngăn chặn dịch bệnh và ổn định thị trường, đảm bảo đời sống của nhân dân.
4. DIỄN BIẾN CHỈ SỐ GIÁ SẢN XUẤT, CHỈ SỐ GIÁ XUẤT KHẨU VÀ NHẬP KHẨU QUÝ IV VÀ NĂM 2020
Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản
Chỉ số giá sản xuất sản phẩm lâm nghiệp quý IV/2020 tăng 0,11% so với quý trước, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước; bình quân năm 2020 giảm 0,19% so với năm 2019. Giá gỗ khai thác, sản phẩm lâm sản thu nhặt quý IV/2020 tăng lần lượt 0,49%; 0,6% so với quý trước, do thời điểm cuối năm nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà cửa, mua sắm đồ nội thất gỗ tăng, nguồn cung gỗ khai thác giảm; nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thu nhặt các tháng cuối năm tăng. Ảnh hưởng dịch Covid-19 một số nước nhập khẩu gỗ từ Việt Nam đóng cửa biên giới, làm giá gỗ khai thác bình quân năm 2020 giảm 2,1% so với năm 2019.
Chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp
Chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp quý IV/2020 tăng 0,1% so với quý trước, giảm 0,78% so với quý IV/2019; bình quân năm 2020 giảm 0,6% so với năm 2019. Biến động cụ thể ở một số nhóm hàng như sau:
Chỉ số giá sản xuất sản phẩm khai khoáng quý IV/2020 giảm 0,33% so với quý trước, giảm 10,42% so với cùng kỳ năm trước; bình quân năm 2020 giảm 8,76% so với năm 2019. Trong đó: (1) Giá quặng kim loại và tinh quặng kim loại quý IV/2020 tăng 2,02% so với quý trước; tăng 13,31% so với quý IV/2019; bình quân năm 2020 so với năm 2019, giá quặng kim loại và tinh quặng kim loại tăng 7,98%, do giá quặng sắt trong nước tăng theo giá quặng sắt thế giới; nhu cầu thép của Trung Quốc tăng do phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19. (2) Giá sản phẩm khai khoáng khác quý IV/2020 tăng 0,12% so với quý trước; tăng 0,71% so với cùng kỳ năm trước; bình quân năm 2020 tăng 1,48% so với năm 2019, do cuối năm nhu cầu sử dụng sản phẩm khai khoáng khác tăng, nguồn cung giảm; ảnh hưởng dịch Covid-19 việc khai thác các sản phẩm khai khoáng khác khó khăn; giá điện sản xuất cao, chi phí nhân công tăng.
Ở chiều ngược lại Giá dầu thô và khí đốt tự nhiên khai thác quý IV/2020([6])giảm 0,64% so với quý trước; giảm 20,96% so với cùng kỳ năm trước; bình quân năm 2020 giá dầu thô và khí đốt tự nhiên khai thác giảm 18,46% so với năm 2019, do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ năng lượng giảm.
Chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo quý IV/2020 tăng 0,09% so với quý trước, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước; bình quân năm 2020 giảm 0,23% so với năm 2019. Giá nhóm sản phẩm kim loại; than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế quý IV/2020 tăng lần lượt 1,96%; 1,51% so với quý trước, do nhu cầu hoạt động xây dựng tăng, giá quặng sắt trên thị trường thế giới tăng và nhu cầu than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế ở Trung Quốc tăng sau dịch Covid-19. Tuy nhiên, bình quân năm 2020, giá than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 29,22% so với năm 2019, do giá nguyên liệu đầu vào sản xuất giảm như: Giá xăng dầu giảm, giá điện sản xuất giảm([7]) các tháng 4; 5; 6 năm 2020.
Chỉ số giá sản xuất dịch vụ
Chỉ số giá dịch vụ vận tải kho bãi quý IV/2020 tăng 0,28% so với quý trước; giảm 5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân năm 2020 giảm 5,21% so với năm 2019. Trong quý IV/2020 dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, nhu cầu đi lại tăng làm cho giá dịch vụ hàng không tăng 2,88%, giá dịch vụ vận tải đường thủy nội địa tăng 0,12% so với quý trước. Tuy nhiên, năm 2020 ngành vận tải bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch Covid-19, nhu cầu đi lại, du lịch, vận chuyển hàng hóa giảm, các doanh nghiệp vận tải giảm giá vận tải. Dịch vụ vận tải hàng không năm 2020 giảm 35,94% so với năm 2019 và giảm nhiều nhất trong quý II/2020, do thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Giá dịch vụ vận tải đường sắt năm 2020 giảm 4,63% so với năm 2019, do Tổng Công ty Đường sắt giảm giá vé sau mùa cao điểm như mùa du lịch, lễ tết…Ở chiều ngược lại, chỉ số giá dịch vụ kho bãi và các dịch vụ liên quan đến hoạt động hỗ trợ cho vận tải năm 2020 tăng 1,03% so với năm 2019, do giá nhân công bốc xếp tăng; Giá dịch vụ bưu chính và chuyển phát năm 2020 tăng 0,63% so với năm 2019, do nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng.
Chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa
Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa quý IV/2020 tăng 0,54% so với quý trước, giảm 1,3% so với quý IV/2019; bình quân năm 2020 giảm 1,32% so với năm 2019.
So với quý trước trong số 40 nhóm hàng xuất khẩu chính có 27 nhóm hàng có chỉ số giá tăng và tăng nhiều nhất là các nhóm: quặng và khoáng sản tăng 6,02%, xăng dầu các loại tăng 5,21%,…; có 8 nhóm hàng có chỉ số giá giảm và giảm nhiều nhất là sản phẩm từ hóa chất giảm 2,63%,…
Một số nguyên nhân làm giảm chỉ số giá xuất khẩu quý IV và năm 2020: Giá điện thoại và thiết bị di động xuất khẩu quý IV/2020 giảm 1,65% so với quý trước, do các hãng điện thoại lớn như Samsung giảm giá. Giá than đá xuất khẩu quý IV/2020 giảm 0,48% so với quý trước, do nhu cầu tiêu thụ than của các nước giảm. Bình quân năm 2020 so với năm 2019, giá dầu thô, than đá xuất khẩu giảm lần lượt 31,78%; 1,1% do ảnh hưởng dịch Covid-19 nhu cầu sử dụng nhiên liệu, thu nhập của người dân giảm, xuất khẩu gặp khó khăn.
Chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa quý IV/2020 tăng 0,38% so với quý trước, giảm 0,49% so với cùng kỳ năm trước; bình quân năm 2020 giảm 0,59% so với năm 2019.
So với quý trước trong số 42 nhóm hàng nhập khẩu chính có 23 nhóm hàng có chỉ số giá tăng và tăng nhiều ở các nhóm hàng: Khí đốt hóa lỏng tăng 18,55%; Kim loại thường khác tăng 3,47%; Xăng dầu các loại tăng 2,52%,…
Một số nguyên nhân làm tăng chỉ số giá nhập khẩu quý IV và năm 2020: Giá khí đốt hóa lỏng tăng 18,55% so với quý trước, do ảnh hưởng của thị trường khí đốt trên thế giới giá tăng, thời tiết lạnh nhu cầu sử dụng khí đốt tăng. Giá xăng dầu tăng 2,52% so với quý trước, do giá xăng dầu nhập khẩu biến động theo giá dầu thô thế giới.
Một số nguyên nhân làm giảm chỉ số giá nhập khẩu quý IV/2020 và năm 2020: Giá dầu mỡ động thực vật quý IV/2020 giảm 1,09% so với quý trước. Giá khí đốt hóa lỏng bình quân năm 2020 giảm 12,96% so với năm 2019, do quý II; III/2020 giá lần lượt giảm 28,48% và 18,17% so cùng kỳ năm trước, do nhu cầu tiêu thụ trên thị trường thấp, tồn kho tăng. Giá xăng dầu bình quân năm 2020 giảm 2,65% so với năm 2019, do nhu cầu giảm.
Tỷ giá thương mại hàng hóa
Tỷ giá thương mại (TOT) hàng hóa quý IV/2020 tăng 0,15% so với quý trước, giảm 0,81% so với cùng kỳ năm trước; bình quân năm 2020 giảm 0,74% so với năm 2019.
Quý IV/2020 TOT hàng hóa so với quý trước tăng 0,15%, phản ánh giá hàng hóa xuất khẩu quý IV/2020 so với quý trước có lợi thế hơn so với giá hàng hóa nhập khẩu. Các mặt hàng xuất khẩu có chỉ số giá tăng trong quý IV/2020, như: Gạo; hạt tiêu; hạt điều; xăng dầu; quặng và khoáng sản với mức tăng từ 3,62% đến 6,02% tác động làm chỉ số giá xuất khẩu chung tăng 0,54%, cao hơn mức tăng 0,38% của chỉ số giá nhập khẩu. Bình quân năm 2020, TOT hàng hóa giảm 0,74% so với năm 2019, trong đó có 4 nhóm hàng hóa TOT giảm, gồm: xăng dầu các loại giảm 16,95%; sắt, thép giảm 5,85%; hàng thủy sản giảm 4,3%; hàng rau quả giảm 2,14%. Có 4 nhóm hàng hóa TOT tăng, gồm: Hóa chất tăng 7,4%; Gỗ và sản phẩm gỗ tăng 1,46%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 0,44%; cao su tăng 0,22%.
5. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2020 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý IV các năm trong giai đoạn 2011-2020[1]. Dịch Covid-19 được kiểm soát chặt chẽ, nền kinh tế từng bước hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và EU có hiệu lực từ ngày 01/8/2020 đã tạo động lực cho nền kinh tế nên GDP quý IV/2020 tăng trưởng khởi sắc so với quý III/2020, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,60%;
GDP năm 2020 tăng 2,91% (Quý I tăng 3,68%; quý II tăng 0,39%; quý III tăng 2,69%; quý IV tăng 4,48%), tuy là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2020[2] nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội thì đây là thành công lớn của Việt Nam với mức tăng trưởng năm 2020 thuộc nhóm cao nhất thế giới. Điều này cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế – xã hội”. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,98%, đóng góp 53% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp năm 2020 tăng 3,36% so với năm trước[5], đóng góp 1,12 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 5,82%[6], đóng góp 1,25 điểm phần trăm; sản xuất và phân phối điện tăng 3,92%, đóng góp 0,19 điểm phần trăm; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,51%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm; khai khoáng giảm 5,62% (do sản lượng khai thác dầu thô giảm 12,6% và khí đốt tự nhiên giảm 11,5%), làm giảm 0,36 điểm phần trăm trong mức tăng chung. Ngành xây dựng tăng 6,76%, cao hơn tốc độ tăng của các năm 2011, năm 2012 và năm 2013 trong giai đoạn 2011-2020[7], đóng góp 0,5 điểm phần trăm.
Về cơ cấu nền kinh tế năm 2020, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,72%; cơ cấu tương ứng của năm 2019 là 34,49%.
6. Đầu tư phát triển
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2020 tăng 5,7% so với năm 2019, mức thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020 do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đến tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước năm 2020 đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2020, đây là kết quả đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát tốt tại Việt Nam.
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành năm 2020 đạt 2.164,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,7% so với năm trước và bằng 34,4% GDP (quý IV/2020 đạt 719,6 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó vốn khu vực Nhà nước đạt 729 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,7% tổng vốn và tăng 14,5% so với năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 972,2 nghìn tỷ đồng, bằng 44,9% và tăng 3,1%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 463,3 nghìn tỷ đồng, bằng 21,4% và giảm 1,3%.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 28,5 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2019. Trong đó có 2.523 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 14,6 tỷ USD, giảm 35% về số dự án và giảm 12,5% về số vốn đăng ký so với năm trước; có 1.140 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 6,4 tỷ USD, tăng 10,6%; có 6.141 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 7,5 tỷ USD, giảm 51,7%. Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1.695 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 3,2 tỷ USD và 4.446 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 4,3 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2020 ước tính đạt gần 20 tỷ USD, giảm 2% so với năm trước.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong năm 2020 có 119 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng số vốn đăng ký của phía Việt Nam đạt 318 triệu USD; có 33 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 272 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 590 triệu USD, tăng 16,1% so với năm 2019.