TOP 7 LOẠI VẬT LIỆU CHỐNG CHÁY PHỔ BIẾN TRONG XÂY DỰNG
Vấn đề phòng chống cháy nổ ở các tòa nhà, khu chung cư, trung tâm thương mại… đang là một trong những điểm nóng của xã hội hiện nay.
Thời gian gần đây, trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ cháy lớn, gây hậu quả nặng nề về người và tài sản. Việc các vụ hoả hoạn xảy ra ngày càng thường xuyên, với quy mô và mức độ lây lan nhanh chóng, đã đặt ra những nhu cầu cấp thiết trong việc nghiên cứu và chế tạo vật liệu phòng chống cháy nổ.
Mới đây nhất, vụ cháy tại quán karaoke ở Bình Dương một lần nữa gióng lên hồi chuông về công tác phòng cháy chữa cháy trong ngành xây dựng.
Chọn được các loại vật liệu xây dựng đạt tiêu chuẩn chống cháy là giải pháp tối ưu để bảo vệ an toàn
cho con người và tài sản khi có sự cố cháy nổ xảy ra
Hiện nay, để việc phòng cháy chữa cháy hiệu quả không chỉ ở các bộ phận kiến trúc mà còn phụ thuộc cả vào vật liệu xây dựng công trình, bao gồm cả vật liệu kết cấu, kiến trúc và nội thất.
Trên thị trường vật liệu xây dựng, hiện đã có nhiều nhà cung cấp những loại vật liệu và thiết kế các giải pháp có khả năng chống cháy, chịu lửa và phần nào hình thành một hệ thống vật liệu phòng cháy chữa cháy.
Vật liệu xây dựng chống cháy là gì?
Vật liệu chống cháy là các loại vật tư có khả năng chống chịu được lửa dưới nhiệt độ cao, nhờ đó ngăn chặn được việc lan rộng khu vực cháy hiệu quả.
Thời gian gần đây, trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ cháy lớn, gây hậu quả nặng nề về người và tài sản
Mục đích sử dụng của các vật liệu chống cháy là để đảm bảo ngọn lửa bị bao vây, cô lập tại nơi xảy ra và không cho lan truyền tới các khu vực khác. Điều này nhằm giúp người ở bên trong có thể di tản một cách an toàn.
Tuy nhiên, vật liệu cách nhiệt chống cháy khác vật liệu không cháy và không có loại vật liệu nào chống lửa được tuyệt đối 100%.
Thông thường, vật liệu và cấu kiện xây dựng được chia thành ba nhóm theo mức độ cháy: không cháy, khó cháy và dễ cháy.
Cụ thể, vật liệu xây dựng thuộc nhóm không cháy bao gồm các vật liệu vô cơ tự nhiên hay nhân tạo, kim loại, các tấm thạch cao hay thạch cao sợi khi hàm lượng hữu cơ đến 8% khối lượng, các tấm bông khoáng ở dạng tổng hợp hay tự nhiên hoặc dạng dính kết với bitum khi hàm lượng hữu cơ đến 6% Khối lượng.
Vật liệu chống cháy là các loại vật tư có khả năng chống chịu được lửa dưới nhiệt độ cao
Vật liệu thuộc nhóm khó cháy gồm hỗn hợp các vật liệu không cháy và dễ cháy. Một số vật liệu thuộc nhóm này phổ biến trên thị trường như là bê tông asphalt, tấm fibro xi măng, vật liệu thạch cao và các loại bê tông có hàm lượng hữu cơ cao hơn 8% khối lượng, các tấm bông khoáng ở dạng dính kết với bitum khi hàm lượng hữu cơ từ 7% đến 15% khối lượng. Bên cạnh đó, nhóm này còn có vật liệu gỗ có ngâm tẩm các hoá chất không cháy, vật liệu xơ ép, xi măng hay các loại vật liệu polime đạt yêu cầu khó cháy.
Cuối cùng, vật liệu dễ cháy bao gồm các vật liệu thuộc loại hữu cơ không được ngâm tẩm bằng chất chống cháy.
Một số loại vật liệu chống cháy phổ biến
Ngày nay, sử dụng vật liệu chống cháy trong xây dựng là điều cần thiết để giảm thiểu nguy cơ xảy ra hỏa hoạn, cùng điểm danh các loại vật liệu này.
Do đó, trong quá trình xây dựng, bên cạnh việc tìm kiếm những vật liệu xây dựng bền đẹp, chống nóng tốt, các chủ nhà cần tham khảo về sử dụng các vật liệu chống cháy để giảm thiểu thiệt hại khi rủi ro cháy nổ xảy ra.
1. Tấm thạch cao chống cháy, cách nhiệt
Tấm thạch cao chống cháy được xem là loại vật liệu chống cháy hiệu quả, vật liệu này được ứng dụng hầu hết trong các giải pháp ngăn ngừa cháy nổ phổ biến hiện nay trong xây dựng.
Tấm thạch cao chống cháy, cách nhiệt
So với thạch cao thông thường, tấm thạch cao chống cháy được bổ sung thêm lớp bông thủy tinh, micro silica bên cạnh lớp giấy và lõi chuyên dụng nhằm gia tăng khả năng ngăn cháy lan, không bắt cháy.
Trong thi công, trang trí nội thất, bên cạnh yếu tố thẩm mỹ, sử dụng tấm thạch cao còn giúp hạn chế lửa lan rộng, đồng thời bên trong tấm thạch cao còn có chứa loại hóa chất tên là canxi sulfat, chất này khi tiếp xúc với lửa sẽ thoát ra như hơi nước làm ngăn chặn sự truyền nhiệt và lây lan của đám cháy.
2. Kính chống cháy El, E
Để đảm bảo vừa an toàn phòng cháy, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ cho không gian, sản phẩm kính chống chạy đang được sử dụng phổ biến trong các tòa nhà thương mại, dần thay thế cho tường bê tông.
Thị trường hiện đang có 2 sản phẩm phổ biến đó là kính chống cháy EI và kính chống cháy E
Nhờ khả năng chống cháy, ngăn chặn lửa, khói và khí độc, các dòng sản phẩm kính chống cháy EI, E đang được nhiều công trình ưa chuộng, giúp hạn chế được tác hại khi xảy ra sự cố cháy nổ.
Theo đó, ưu điểm của kính chống cháy là khả năng ngăn cản đám cháy khi xảy ra hỏa hoạn. Bên trong kính chống cháy có chất làm chậm cháy khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, ngăn ngừa kính bị vỡ do sốc nhiệt. Nhờ đó, mọi người có thể chủ động khi xảy ra sự cố cháy nổ.
Dựa trên tiêu chí tính toàn vẹn và tính cách nhiệt, hiện thị trường đang có 2 sản phẩm phổ biến đó là kính chống cháy EI và kính chống cháy E.
Cụ thể, với sản phẩm kính chống cháy E, loại kính này thực chất là kính hút chân không, kính được cấu tạo từ 02 lớp kính đơn và có lớp khí trơ ở giữa. Nhờ đó, sản phẩm này có khả năng ngăn chặn lửa, khói và khí độc trong khoảng thời gian 45-120 phút.
Tương tự, kính chống cháy EI được cấu tạo bởi nhiều lớp kính và keo ngăn nhiệt trong suốt. Bên cạnh khả năng chống cháy tốt, kính chống cháy EI còn có ưu điểm là hạn chế truyền nhiệt khói và khí độc truyền qua kính với thời gian chống cháy lên đến 120 phút
3. Sơn chống cháy
Bên cạnh các vật liệu như kính hay tấm thạch cao, sử dụng sơn chống cháy cũng là một trong những giải pháp tối ưu và tiết kiệm trong việc phòng ngừa cháy nổ.
Sử dụng sơn chống cháy cũng là một trong những giải pháp tối ưu và tiết kiệm trong việc phòng ngừa cháy nổ
Sơn chống cháy là một loại vật liệu được sử dụng nhiều trong xây dựng để giúp phòng chống cháy nổ tiết kiệm và hiệu quả. Loại sơn này được cấu tạo bởi hợp chất Acrylic, vỏ trấu hoặc Epoxy và các loại phụ gia, hóa chất khác.
Trong quá trình thi công, sau khi phủ lên sơn bề mặt vật liệu cần chống cháy sẽ hình thành một lớp bảo vệ, giúp kết cấu thép tránh được những tác động từ lửa, chịu được nhiệt độ lâu hơn.
Ngoài ra, các loại sơn chống cháy còn có khả năng cảm biến nhiệt độ, sau đó tự động tăng độ dày màng sơn lên nhiều lần, chúng sẽ tạo ra bức tường ngăn chặn nhiệt ngọn lửa tiếp xúc với bề mặt vật liệu. Đồng thời, chúng cũng sản sinh ra các khí không bắt lửa, không độc hại.
Trên thị trường hiện nay, vật liệu sơn chống cháy phổ biến với 2 loại là sơn chống cháy gốc dầu và sơn chống cháy gốc nước.
Cụ thể, sơn chống cháy gốc dầu được sử dụng phổ biến hơn vì sử dụng được cả trong nhà và ngoài trời. Trong khi đó, sơn chống cháy gốc nước là loại sơn trong đó thành phần nước là dung môi chính, mang lại sự an toàn thân thiện với môi trường.
4. Cửa thép chống cháy
Cửa chống cháy là vật dụng quen thuộc và đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc phòng chống cháy, nổ, bảo vệ người dân trong các trường hợp xảy ra hoả hoạn.
Cửa chống cháy
Trong xây dựng, loại cửa chống cháy phải đạt yêu cầu cơ bản, dù ở mức độ chịu nhiệt và chống cháy trong khoảng thời gian bao lâu, đều phải dựa trên những yêu cầu chung dưới đây:
– Cánh cửa sử dụng thép cán nguội 0,8-1,2mm, độ dày cánh 50-70mm
– Khung bao sử dụng thép cán nóng dày 1,6mm; độ dày khung 100-110mm
– Lõi cửa sử dụng vật liệu chống cháy magie oxide
– Gioăng cao su ngăn khói
– Tay co thủy lực giúp cửa luôn ở trạng thái đóng
Nếu thiếu bất kỳ 1 trong những yếu tố trên, thì cửa sẽ không đạt tiêu chuẩn chống cháy hoặc không đảm bảo tính an toàn trong thiết kế xây dựng.
5. Ván tiêu âm chống cháy
Ván tiêu âm chống cháy
Ván tiêu âm chống cháy là loại vật liệu được làm từ hỗn hợp gỗ và keo chống cháy. Nhờ loại keo đặc biệt này, ván chống cháy có khả năng bắt lửa chậm, ngăn ngừa sự lây lan đám cháy, ít tạo khói hay các chất thải độc hại, làm giảm nhiệt độ của không gian khi có đám cháy xảy ra.
Bên cạnh đó, bề mặt ván chống cháy được phủ thêm một lớp dung dịch chậm cháy đặc biệt, góp phần làm tăng khả năng phòng chống cháy nổ của tấm ván.
Trong xây dựng, loại ván này vừa giúp tăng cường khả năng chống cháy, chống tác động của nhiệt, vừa giúp tăng tính thẩm mỹ cho không gian sử dụng.
6. Bông thủy tinh chống cháy, cách nhiệt
Bông thủy tinh được làm từ các sợi bông thủy tinh tổng hợp có sự liên kết với nhau, kết cấu khá nhẹ giống len.
Lớp bông thường nằm giữa cấu tạo trần, vách ngăn cách nhiệt giúp chống cháy vượt trội
Khi sử dụng trong xây dựng, giữa các liên kết sợi bông có khoảng không túi khí nhỏ trong môi trường chân không giúp ngăn nhiệt, dẫn nhiệt kém. Lớp bông thường nằm giữa cấu tạo trần, vách ngăn cách nhiệt giúp chống cháy vượt trội.
Tỷ trọng bông thủy tinh càng cao thì khả năng chống cháy càng vượt trội. Mặc dù tấm cách nhiệt này có khả năng ngăn cháy, cách nhiệt nhưng vẫn có khả năng bị cháy khi lửa quá lớn.
Nhờ khả năng chống cháy tuyệt vời, bông thủy tính được tích hợp vào hệ thống trần tường cùng các vật liệu khác để hình thành nên giải pháp chống cháy hiệu quả.
7. Bê tông chịu lửa
Bê tông là một trong những vật liệu xây dựng thông thường nhất nhưng lại có khả năng chịu lửa tốt. Bê tông không cháy, tính dẫn nhiệt thấp và ngăn lửa lan rộng nên thường được sử dụng để củng cố và bảo vệ thép khỏi lửa.
Tuy nhiên, không phải tất cả bê tông đều có khả năng chịu lửa như nhau. Những đặc tính chống cháy thay đổi tùy thuộc vào loại và lượng cốt liệu. Bê tông chịu nhiệt được làm từ các thành phần chính như xi măng được làm sạch với tốc độ cao.
Cụ thể, xi măng có nồng độ Al2O3 cao hơn bình thường. Đồng thời gia giảm các chất phụ gia và hàm lượng của CaO xuống còn 5-7%. Và có thể sử dụng các phụ gia khác thêm vào để tăng độ bền cho các sản phẩm bê tông.
Ngoài tính chống ăn mòn cao, loại bê tông này còn có khả năng ngăn chặn các chất ở nhiệt độ cao và chống được lửa cao nên có thể giúp giảm thiểu những rủi ro, thất thoát do hỏa hoạn gây ra.
Nguồn: hoivlxdvn.org.vn