HƯỚNG ĐẾN PHÁT TRIỂN VẬT LIỆU LỢP “NÓI KHÔNG” VỚI AMIĂNG TRẮNG
Phát triển ngành sản xuất vật liệu xây dựng tại nước ta luôn xác định rõ quan điểm bảo vệ sức khỏe lâu dài của con người và thân thiện với môi trường. Vì vậy, đến lúc cần tăng cường công tác quản lý việc sử dụng amiăng trắng trong sản xuất tấm lợp để giảm thiểu các nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp và đảm bảo an toàn môi trường sống.
Tăng cường quản lý và có lộ trình dừng việc sử dụng amiăng trắng trong sản xuất tấm lợp xi măng (ảnh minh họa: Internet)
Thế giới dần “nói không” với amiăng
Theo thống kê từ WHO, đến ngày 30/6/2022 đã có tổng số 68 quốc gia trên thế giới cấm hoàn toàn việc sử dụng amiăng. Trong số này, nhiều quốc gia đưa ra lệnh cấm tất cả các loại amiăng, một số khác ban đầu cấm sử dụng amiăng nhóm amphibole (amiăng xanh và nâu), sau đó cấm sử dụng amiăng chrysotile (amiăng trắng). Điều này cho thấy, loại bỏ amiăng ra khỏi các sản phẩm gần gũi với con người đang là xu thế chung của toàn cầu.
Nhìn lại lịch sử tiêu thụ amiăng trên thế giới, tại nước Anh là 143.000 tấn (năm 1976), sau đó giảm dần xuống còn 10.000 tấn vào năm 1995. Hay như Pháp đã nhập khẩu khoảng 176.000 tấn amiăng (năm 1976) và nhập khẩu đã ngừng từ năm 1996. Hiện nay, Liên minh châu Âu (EU) đã cấm việc sử dụng amiăng nên loại sợi khoáng thiên nhiên này không còn được tiêu thụ và sử dụng trên thị trường.
Tại các nước châu Á, số liệu thống kê cũng cho thấy tại Singapore việc nhập khẩu amiăng thô (chỉ có amiăng trắng) đã giảm theo lộ trình từ 243 tấn (năm 1997) xuống 0 tấn (năm 2001). Còn Philippines nhập khẩu amiăng nguyên liệu khoảng 570 tấn (năm 1996) đã giảm xuống còn 450 tấn (năm 2000) và hiện đã ngừng hẳn việc sử dụng.
Ở khu vực châu Á – Thái Bình dương, Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia đi đầu trong việc ngừng sử dụng amiăng trắng. Hai nước này khẳng định tất cả các loại amiăng bao gồm cả amiăng trắng đều là tác nhân gây ung thư dựa trên các kết quả nghiên cứu trên thế giới và của các cơ sở nghiên cứu thuộc quốc gia mình.
Chính vì thế, Nhật Bản đã có lộ trình cấm sử dụng amiăng trắng từ năm 2004 đến năm 2012 và Hàn Quốc có lộ trình cấm sử dụng amiăng trắng từ năm 2006 đến năm 2015. Các sản phẩm vật liệu tấm lợp mới như tôn, ngói, composite… thay thế dần tấm lợp amiăng.
Nhiều quốc gia đông dân, có nền khoa học phát triển trên thế giới chưa cấm sử dụng amiăng. Tuy nhiên, có sự kiểm soát rất chặt chẽ việc sử dụng amiăng dùng để sản xuất tấm lợp. Đó là, việc xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đặc biệt cho sợi amiăng, sản phẩm có chứa amiăng.
Như tại Trung Quốc, tấm sóng amiăng xi măng giảm hơn 70% trong vòng 15 năm gần đây (từ 2006 đến 2021). Amiăng được nước này phân loại là chất độc hại và nguy hiểm. Tuy nhiên, vẫn cho phép sản xuất và chủ yếu sử dụng tấm sóng amiăng lợp mái cho các chuồng trại gia súc hoặc những công trình công nghiệp tạm thời và được kiểm soát chặt chẽ.
Tại Việt Nam thì sao?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và tổ chức Lao động Thế giới (ILO) từng bày tỏ lo ngại về việc sử dụng amiăng trắng trong sản xuất vật liệu xây dựng và các sản phẩm khác tại Việt nam.
Theo Bộ Xây dựng, amiăng trắng ở nước ta hiện nay hầu hết được sử dụng cho sản xuất tấm lợp amiăng xi măng. Tổng công suất thiết kế của các dây chuyền sản xuất loại tấm lợp này thời kỳ đỉnh điểm (đến năm 2018) là 94,4 triệu m2/năm, tuy nhiên từ năm 2018 đến nay nhiều nhà máy đã dừng hoạt động và chuyển đổi hình thức sản xuất kinh doanh khác, dẫn đến công suất thiết kế chỉ còn 58,4 triệu m2/năm.
Thống kê cho thấy, lượng tấm lợp amiăng xi măng được sử dụng cho mục đích làm nhà ở của người dân chỉ chiếm khoảng 11,62% trên tổng số m2 nhà ở, cho các mục đích sử dụng khác (như làm nhà xưởng, chuồng trại chăn nuôi…) chiếm khoảng 18,75% trên tổng số m2 nhà xưởng, chuồng tại chăn nuôi…
Theo đánh giá từ các chuyên gia, nguyên nhân của sự sụt giảm sản lượng sản xuất và tiêu thụ tấm lợp amiăng xi măng là do nền kinh tế Việt Nam có những bước phát triển mới, nền kinh tế thị trường có tính cạnh tranh mạnh mẽ. Trong khi hình thức, mẫu mã sản phẩm tấm lợp amiăng xi măng không còn phù hợp với thị hiếu, thẩm mỹ của đại đa số người tiêu dùng nên việc giảm lượng tiêu thụ là tất yếu.
Cùng với đó, thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng, dư luận xã hội cũng đề cập nhiều đến ảnh hưởng của amiăng trắng đối với sức khỏe con người. Các kết quả nghiên cứu của WHO chỉ ra tất cả các loại amiăng đều gây bệnh bụi phổi amiăng, ung thư phổi, ung thư trung biểu mô (màng phổi, màng tim, màng bụng), ung thư thanh quản và buồng trứng.
Theo Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), quan điểm loại bỏ các bệnh liên quan đến amiăng được nêu trong nghị quyết của Hội đồng Y tế thế giới (WHA). Và Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) xếp loại amiăng là chất gây ung thư. Bộ Y tế cũng cho rằng cách thức hiệu quả nhất để loại trừ các bệnh liên quan đến amiăng là ngừng sử dụng tất cả các loại amiăng. Đồng thời, cung cấp thông tin về những giải pháp thay thế amiăng.
Cần đề án để kiểm soát amiăng trắng trong sản xuất
Theo Bộ Xây dựng, trước những ảnh hưởng của amiăng đến sức khỏe con người thì cần thiết phải nghiên cứu một đề án để dừng sử dụng amiăng trắng trong sản xuất tấm lợp xi măng. Đồng thời, phát triển các loại vật liệu lợp thân thiện với môi trường bảo vệ sức khỏe lâu dài của con người, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh ung thư và các bệnh nghề nghiệp khác tại Việt Nam.
Trong thời gian này, Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) đang nghiên cứu, dự thảo Đề án “Tăng cường công tác quản lý và sử dụng amiăng trắng trong sản xuất vật liệu xây dựng”. Với quan điểm quản lý chặt chẽ việc sử dụng amiăng trắng, hạn chế dần và tiến tới dừng sử dụng amiăng trắng trong sản xuất tấm lợp và các loại vật liệu xây dựng khác từ năm 2030 để bảo vệ sức khỏe của con người. Giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp trong sản xuất vật liệu xây dựng cũng như bảo vệ môi trường.
Trong tương lai, nước ta phải đổi mới công nghệ, sử dụng các loại sợi an toàn với sức khỏe con người thay thế sợi amiăng trắng nhưng vẫn đảm bảo giữ được tính năng cơ bản của sản phẩm. Mặt khác, đảm bảo hoạt động bình thường của các dây chuyền sản xuất và lực lượng lao động đang sản xuất tấm amiăng xi măng hiện nay.
Trong một buổi Hội thảo mới đây, ông Phạm Văn Bắc – Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) từng chia sẻ: “Sản xuất vật liệu xây dựng đang có xu hướng phát triển các vật liệu thân thiện với môi trường”.
Vì vậy, việc thay thế dần amiăng trắng bằng các loại sợi khác an toàn hơn với môi trường, an toàn với con người trong sản xuất tấm lợp xi măng sợi không làm ảnh hưởng đến sự vận hành bình thường của các dây chuyền sản xuất tấm lợp amiăng xi măng hiện hữu.
“Đối với người lao động, do không có sự xáo trộn về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nên việc làm của người lao động vẫn đảm bảo bình thường như trước đây. Ngoài ra việc sản xuất vẫn dựa trên dây chuyền thiết bị hiện tại nên không cần đào tạo lại lực lượng vận hành. Với việc sản xuất tấm lợp không dùng amiăng, người lao động sẽ tránh được nguy cơ mắc phải các bệnh nghề nghiệp”, ông Bắc chia sẻ thêm.
Nghiên cứu, sản xuất các loại vật liệu lợp thân thiện với môi trường để bảo vệ sức khỏe lâu dài của con người (ảnh minh họa: Internet)
Bộ Xây dựng nhận định, việc thay thế dần sợi amiăng trắng bằng loại sợi khác an toàn hơn trong sản xuất tấm lợp được thực hiện theo lộ trình với thời gian đủ để các doanh nghiệp hoàn thiện công nghệ sản xuất. Với sự phát triển, tiến bộ khoa học công nghệ, sản phẩm tấm lợp sử dụng sợi nhân tạo sẽ có chất lượng và giá thành tương đương với tấm lợp amiăng xi măng. Cùng với đó thu nhập của người dân ngày càng nâng cao, việc ưu tiên lựa chọn các sản phẩm an toàn, thân thiện môi trường sẽ là xu hướng trong tương lai.
Nguồn: Báo Xây dựng