Cao tốc Bắc – Nam: Quy hoạch & Tiến độ MỚI NHẤT năm 2023
Cao tốc Bắc Nam là tên gọi của một tuyến đường cao tốc nối dài từ Bắc tới Nam với điểm đầu là Hà Nội và điểm cuối là Cần Thơ. Dự án cao tốc Bắc Nam bao gồm nhiều tuyến nhỏ khác. Sau đây, chúng tôi sẽ tổng hợp tất cả những tuyến cao tốc thuộc dự án này mới nhất 2023.
Tổng quát về đường cao tốc Bắc Nam
Tên dự án: Đường cao tốc Bắc Nam | Quy mô: 1.811km |
Kí hiệu: CT.01 | Nguồn đầu tư: Nguồn vốn trái phiếu chính phủ, đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP), đầu tư theo hình thức đầu tư công |
Điểm đầu: Nút giao Pháp Vân, Hà Nội | Quy hoạch: Điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Quy hoạch 6 đến 10 làn xe trên mỗi tuyến cao tốc. |
Điểm cuối: Nút giao Chà Và, Cần Thơ | Phương án triển khai: Giải phóng mặt bằng toàn tuyến, Bộ GTVT lập lại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi |
Phương án huy động vốn: Từ các ngân hàng thương mại trong nước, phát hành trái phiếu công trình, các ngân hàng đầu tư cơ sở và bão lãnh chính phủ. |
Theo kế hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, Việt Nam dự kiến đến năm 2030 sẽ có hơn 6.400 km đường cao tốc, trong đó có hai tuyến chính của tuyến đường cao tốc Bắc-Nam với tổng chiều dài khoảng 2.109 km.
Cụ thể, có bốn hệ thống chính:
1. Hệ thống đường cao tốc khu vực phía Bắc:
Hệ thống này bao gồm bảy tuyến nối tâm với Thủ đô Hà Nội, với tổng chiều dài 1.099 km. Các tuyến đường cụ thể như sau:
- Lạng Sơn – Bắc Giang – Bắc Ninh, dài 130 km.
- Hà Nội – Hải Phòng, dài 105 km.
- Hà Nội – Việt Trì – Lào Cai, dài 264 km.
- Nội Bài – Hạ Long – Móng Cái, dài 294 km.
- Hà Nội – Thái Nguyên – Chợ Mới (Bắc Kạn), dài 90 km.
- Láng – Hòa Lạc – Hòa Bình, dài 56 km.
- Ninh Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh, dài 160 km.
2. Hệ thống đường cao tốc khu vực miền Trung và Tây Nguyên:
Hệ thống này gồm ba tuyến với tổng chiều dài 264 km. Các tuyến đường cụ thể như sau:
- Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) – Hương Sơn (Hà Tĩnh), dài 34 km.
- Cam Lộ (Quảng Trị) – Lao Bảo (Quảng Trị), dài 70 km.
- Quy Nhơn (Bình Định) – Pleiku (Gia Lai), dài 160 km.
3. Hệ thống đường cao tốc khu vực phía Nam:
Hệ thống này gồm bảy tuyến với tổng chiều dài 984 km. Các tuyến đường cụ thể như sau:
- Biên Hòa (Đồng Nai) – Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu), dài 76 km.
- Dầu Giây (Đồng Nai) – Đà Lạt (Lâm Đồng), dài 209 km.
- Thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một (Bình Dương) – Chơn Thành (Bình Phước), dài 69 km.
- Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài (Tây Ninh), dài 55 km.
- Châu Đốc (An Giang) – Cần Thơ – Sóc Trăng, dài 200 km.
- Hà Tiên – Rạch Giá (Kiên Giang) – Bạc Liêu, dài 225 km.
- Cần Thơ – Cà Mau, dài 150 km.
4. Hệ thống đường vành đai cao tốc tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh:
- Đường vành đai Thành phố Hà Nội: Vành đai 3, dài 56 km. Vành đai 4, dài 125 km.
- Đường vành đai Thành phố Hồ Chí Minh: Vành đai 3, dài 83 km.
Những kế hoạch phát triển đường cao tốc này nhằm cải thiện hạ tầng giao thông tại Việt Nam, nâng cao sự kết nối giữa các vùng miền và hỗ trợ sự phát triển kinh tế của đất nước.
Tiến độ thi công toàn tuyến cao tốc Bắc Nam năm 2023
Theo quy hoạch, cao tốc này được chia thành 3 giai đoạn để hoàn thành. Cụ thể
Giai đoạn 1: Từ năm 2017 đến năm 2020 với tổng chiều dài 386km. Tổng chi phí đầu tư là 88.530 tỷ đồng. Trong đó nhà nước hỗ trợ 41.414 tỷ đồng còn lại nguồn vốn huy động từ các nhà đầu tư khoảng 47.116 tỷ đồng. Được xây dựng với hình thức BT có quy mô 4 làn xe.
Đến năm 2022, đường cao tốc Bắc Nam sẽ khai thác đoạn Pháp Vân – Vinh, Cam lộ – Quảng Ngãi, Vĩnh Hảo – TPHCM với 737 km
Trong cuộc họp vào chiều ngày 18/2/2023, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chỉ rõ những đoạn cao tốc cần hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm nay, tổng cộng 360 km trên tuyến đường cao tốc Bắc-Nam. Các đoạn đường bao gồm: Mai Sơn (Ninh Bình) – Quốc lộ 45 (Thanh Hóa), dài 63 km; Cam Lộ (Quảng Trị) – La Sơn (Thừa Thiên Huế), dài 98 km; Vĩnh Hảo (Bình Thuận) – Dầu Giây (Đồng Nai), dài 199 km.
Ngoài ra, các đoạn cao tốc dự kiến hoàn thành trong năm 2023 bao gồm: Quốc lộ 45 – Nghi Sơn (dài 43 km); Nghi Sơn – Diễn Châu (dài 50 km); Nha Trang – Cam Lâm (dài 49 km); cùng với Cầu Mỹ Thuận 2 dài 6,6 km.
Tiến độ, thiết kế của các đoạn cao tốc thuộc tuyến cao tốc Bắc Nam
1. Cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ
Thông tin nhanh: Cao tốc này có tổng chiều dài 32,3 km. Điểm đầu tại nút giao Pháp Vân giao cắt với vành đai 3, điểm cuối tại Cầu Giẽ.
Thiết kế: Cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ được thiết kế theo quy mô 6 làn xe, mỗi chiều sẽ có 3 làn và ngoài ra còn có 2 làn xe khẩn cấp. Giữa hai chiều được thiết kế có dải phân cách và trông thêm cây xanh.
Tiến độ thi công: Đường Pháp Vân Cầu Giẽ được khởi công vào ngày 4/9/1998 đến ngày 1/1/2002 hoàn thành và đưa vào khai thác. Được biết, Năm 2013 đường Pháp Vân – Cầu Giẽ được Thủ tướng Chính phủ đồng ý nâng cấp thành cao tốc.
Theo kế hoạch Quý IV/2013 đến quý IV/2014 tiến hàng thi công giai đoạn 1 nâng cấp, cải tạo 4 làn đường hiện hữu để đạt tiêu chuẩn đường cao tốc. Giai đoạn 2 mở rộng lên 6 làn xe và hai bên xây dựng đường song hành thời gian sau 2014.
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội, dự án này nhằm tạo ra một đường kết nối giữa đường Pháp Vân – Cầu Giẽ và đường Vành đai 3. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.241 tỷ đồng từ ngân sách TP. Hà Nội. Thời gian dự kiến thực hiện dự án sẽ kéo dài từ nay đến năm 2025.
2. Tuyến cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình
Thông tin nhanh: Cao tốc Cầu Giẽ Ninh Bình có tổng chiều dài là 56 km. Điểm đầu nối với đường cao tốc Pháp Vân Cầu Giẽ, điểm cuối thành phố Ninh Bình và cũng là nơi khởi đầu của đường cao tốc Ninh Bình – Thanh Hóa. Tuyến cao tốc này nằm trong chương trình phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam.
Thiết kế: Tuyến cao tốc này được thiết kế với quy mô 6 làn xe, bề mặt đường rộng 22m. Ngoài ra đoạn đường này còn có dải phân cách giữa, dải an toàn và dải phân cách. Tốc độ cho phép xe lưu thông từ 100 đến 120km/h. Trên toàn tuyến còn có 14 cầu vượt sông.
Tiến độ thi công: Dự án này được thông xe vào năm 2012.
Cử tri tỉnh Hà Nam đã đề nghị Bộ GTVT mở rộng làn đường tại cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ – Ninh Bình nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông vào năm 2023.
Trả lời kiến nghị này, Bộ GTVT đã gửi văn bản cho đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam. Bộ cho biết, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1454/2021, cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ – Ninh Bình thuộc đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông (CT.01) dự kiến có chiều dài khoảng 80km và quy mô 6 – 8 làn xe.
Hiện tại, đoạn Pháp Vân – Cầu Giẽ đã được mở rộng với quy mô 6 làn xe và đang khai thác, thu phí theo hình thức hợp đồng BOT. Trong khi đó, đoạn cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình có quy mô 4 làn xe (công trình cầu và hầm chui dân sinh được đầu tư quy mô 6 làn xe) do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam khai thác và thu phí.
Theo Nghị quyết số 56/2022 của Quốc hội, đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác từ năm 2027. Khi đó, quy mô mặt cắt ngang của đoạn cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải. Đoạn Cầu Giẽ – Ninh Bình cần được xem xét mở rộng dựa trên dữ liệu dự báo nhu cầu vận tải.
Bộ GTVT cho biết hiện tại, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam hoàn thiện đề xuất chủ trương mở rộng đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình để trình cấp có thẩm quyền xem xét và quyết định trong năm 2023.
3. Cao tốc Cao Bồ – Mai Sơn
Thông tin nhanh: Đoạn cao tốc này được tách ra thành dự án đường nối cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình với Quốc lộ 1A. Vì dự án Cầu giẽ – Ninh Bình sau khi xây dựng xong chưa tơi địa phận của tỉnh Ninh Bình, nên cần phải có đoạn nối tới Ninh Bình.
Dự án này do tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư giai đoạn 2012 – 2015 – 2017. Đây cũng là đoạn cao tốc nối điểm cuối của đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình với điểm đầu của đường cao tốc Ninh Bình – Thanh Hóa.
Dự án Mai Sơn – Quốc lộ 45 có chiều dài 63km và được xem là một dự án đầu tư công, với tổng mức đầu tư 12.111 tỷ đồng. Dự án này đã khởi công vào tháng 9/2020 và hoàn thành công tác thông xe kỹ thuật vào tháng 12/2022, hoàn thành toàn bộ dự án vào ngày 30/4/2023.
Theo thông tin từ Báo Chính phủ, vào ngày 28/1/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiến hành kiểm tra các dự án thành phần của dự án Mai Sơn – Quốc lộ 45 và dự án Diễn Châu – Bãi Vọt, đều thuộc phạm vi dự án cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 1.
Dự án cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 1 (2017 – 2020) có tổng chiều dài 653km và được chia thành 11 dự án thành phần (bao gồm 3 dự án đầu tư hợp tác công tư PPP và 8 dự án đầu tư công). Hiện tại, dự án thành phần Cao Bồ – Mai Sơn (chiều dài 15km) và dự án thành phần đoạn Cam Lộ – La Sơn (chiều dài 98km) đã được đưa vào khai thác, trong khi 9 dự án còn lại đang tiếp tục triển khai thi công.
4. Đường cao tốc Ninh Bình – Thanh Hóa (Mai Sơn – Nghi Sơn)
Thông tin nhanh: Tuyến cao tốc này có điểm đầu tại tại Km273+96, quốc lộ 1A và trùng với Km 14 thuộc địa phận xã Mai Sơn, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Điểm cuối tại điểm kết thúc nút giao với đường nối cảng Nghi Sơn, thuộc địa phận xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Cao tốc nối Ninh Bình và Thanh Hóa có độ dài 107,28 km.
Thiết kế: Trên đoạn đường cao tốc này có 22 cầu với chiều dài 5,5 km và 28 cầu vượt dài 5 km. Ngoài ra còn có 2 hầm là Thung Thi (630m) và Tam Điệp (240m). Tuyến cao tốc này được thiết kế với 6 làn xe và 4 làn xe mở rộng từ giữa ra. Cao tốc có quy mô loại A, tốc độ thiết kế là 100 ÷ 120 km/h.
Tiến độ thi công: Dự án này có kinh phí đầu tư khoảng 18.377 tỷ đồng. Để hoàn thành, chủ đầu tư chia đường cao tốc thành 2 hợp phần để thi công. Hợp phần 1 dài 65,5 km từ Ninh Bình đến Quốc lộ 45 được đầu tư theo hình thức BOT.
Cao tốc Bắc – Nam, đoạn Mai Sơn – Quốc Lộ 45, đã hoàn thành và chính thức khánh thành vào ngày 30/4/2023. Đoạn đường này có tổng chiều dài hơn 63,37km và đi qua địa phận hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa. Các công việc đẩy nhanh tiến độ thi công đã được thực hiện để đảm bảo khánh thành và đưa vào sử dụng trước ngày 30/4. Trên tuyến đường này, người đi qua có thể chiêm ngưỡng những cảnh đẹp tuyệt vời của các cánh đồng lúa và cây củ quả.
Cao tốc này được thiết kế với quy mô 6 làn xe, với nền đường rộng 32,25m và vận tốc thiết kế 120km/h. Trong giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng, đường được xây dựng hạn chế với 4 làn xe, nền đường rộng 17m và vận tốc thiết kế 80km/h. Trong hình ảnh, chúng ta có thể nhìn thấy điểm vào cao tốc và điểm giao cắt với chặng Cao Bồ – Mai Sơn.
5. Đường cao tốc Thanh Hóa – Hà Tĩnh ( Nghi Sơn – Bãi Vọt)
Thông tin nhanh: Đường cao tốc này có chiều dài 97 km. Điểm đầu là thị xã Nghi Sơn, điểm cuối giao với Quốc lộ 8A thuộc khu vực xã Đức Thịnh huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh.
Thiết kế: Cao tốc Thanh Hóa – Hà Tĩnh được thiết kế với quy mô 4 – 6 làn xe. Đây là cao tốc loại A, có vận tốc xe chạy là 100 – 120 km/h. Toàn tuyến sẽ có 64 vị trí cống chui dân sinh, 16 đường chui dưới cầu và 9 cầu vượt dân sinh. Ngoài ra còn có dải dừng xe khẩn cấp trên đường cao tốc và dải phân cách giữa và 2 làn xe bên trong, tuyến này có 3 hầm đường bộ là hầm Thần Vũ 1, hầm Trường Lâm, hầm Thần Vũ 2.
Tiến độ thi công: Dự án được chia làm 2 giai đoạn để thi công. Với nguồn vốn cho giai đoạn 1 là 31.405 tỷ đồng. Vốn được lấy từ ngân sách nhà nước, vốn của các nhà đầu tư và ODA. Thời gian khởi công vào đầu năm 2019, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2022.
Dự án cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu có chiều dài 50km và tổng vốn đầu tư hơn 7.293 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Dự án đã khởi công vào tháng 7/2021 và kế hoạch hoàn thành vào tháng 7/2023.
Dự án cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng vào tháng 7 tới. Hiện tại, tổng khối lượng thi công đã đạt gần 72% giá trị theo hợp đồng.
Để đảm bảo tiến độ hoàn thành, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Ban quản lý dự án 6 (đại diện chủ đầu tư) để yêu cầu các nhà thầu nhanh chóng thực hiện thi công khi điều kiện thời tiết thuận lợi và không có vấn đề về nền đất yếu hoặc lún. Đặc biệt, dự án có một số hạng mục cần điều chỉnh và bổ sung, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu chủ đầu tư và các đơn vị liên quan hoàn thiện thủ tục phê duyệt để tiến hành thi công sớm, cũng như hoàn thiện thủ tục thanh toán để hỗ trợ tài chính cho nhà thầu.
Trong năm 2023, Chính phủ và Bộ GTVT đã đặt mục tiêu quyết tâm nối thông trục đường cao tốc từ Hà Nội đến Nghệ An và đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt, kết nối Nghệ An với Hà Tĩnh.
Đoạn cao tốc Bắc – Nam từ Hà Nội đến Hà Tĩnh có tổng chiều dài khoảng 300km. Hiện tại, đoạn từ Hà Nội đến Ninh Bình dài 95km đã được đưa vào khai thác (bao gồm 3 dự án là Pháp Vân – Cầu Giẽ, Cầu Giẽ – Ninh Bình và Cao Bồ – Mai Sơn).
Dự án Mai Sơn – Quốc lộ 45 hiện đã thông xe tạm trên một đoạn dài 20km và dự kiến hoàn thành toàn tuyến vào ngày 30/4. Dự án Quốc lộ 45 – Nghi Sơn và Nghi Sơn – Diễn Châu dự kiến sẽ hoàn thành vào quý III/2023. Riêng dự án Diễn Châu – Bãi Vọt là dự án BOT, dự kiến hoàn thành vào quý II/2024.
6. Đường cao tốc Hà Tĩnh – Quảng Bình (Bãi Vọt – Cầu Bùng)
Thông tin nhanh: Đường cao tốc này có tổng chiều dài 145 km nối Hà Tĩnh – Quảng Bình với điểm đầu giao với Quốc lộ 8A xã Đức Thịnh và điểm cuối nối với đường Hồ Chí Minh tại Km 959 thuộc địa phận huyện Bố Trạch.
Thiết kế: Đường cao tốc được thiết kế với 4 làn xe
Tiến độ thi công: Tuyến đường này được xây dựng sau cùng trong dự án tuyến đường cao tốc Bắc – Nam. Dự kiến thời gian xây dựng sẽ từ năm 2021 đến năm 2025.
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, các dự án xây dựng cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (đoạn từ Hà Tĩnh-Quảng Bình) hiện đang gặp khó khăn về nguồn vật liệu mỏ cát xây dựng và cần có giải pháp sớm để đảm bảo tiến độ công trình.
Theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải, đến nay các địa phương đã hoàn thành quá trình giải phóng mặt bằng cho 5 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (đoạn từ Hà Tĩnh – Quảng Bình) với tổng chiều dài 189,43/259,12km (đạt 73%), đủ điều kiện để các nhà thầu tiến hành thi công.
Hiện tại, 5 dự án thành phần này đã được chia thành 9 gói thầu xây lắp. Trong đó, 8/9 gói thầu đã ký kết hợp đồng xây lắp, chỉ còn 1 gói thầu thuộc dự án Vũng Áng-Bùng dự kiến sẽ ký hợp đồng vào ngày 6.2.2023 sau khi hoàn tất thủ tục phê duyệt phòng cháy, chữa cháy công trình hầm trên tuyến.
7. Đường cao tốc Quảng Bình – Quảng Trị (Cầu Bùng – Cam Lộ)
Thông tin nhanh: Cao tốc này có điểm đầu tại Nam cầu Bùng và điểm cuối là Cam Lộ, tương ứng Km 11+922 thuộc tỉnh Quảng Trị. Chiều dài toàn tuyến là 117 km.
Thiết kế: Đường cao tốc Quảng Bình – Quảng Trị được thiết kế với 4 làn xe.
Tiến độ thi công: Đường cao tốc này sẽ được đầu tư xây dựng trong giai đoạn năm 2021 – 2025.
Ngày 13/7, ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 1470 về việc giao các mỏ đất thuộc khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2023, đáp ứng yêu cầu thi công xây dựng đoạn Vạn Ninh – Cam Lộ của dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Trị đã quyết định giao 5 điểm mỏ đất bao gồm Vĩnh Hà 1, Vĩnh Sơn 5, Hải Thái, Linh Trường 1 và Linh Trường 3 cho 2 nhà thầu thi công, đó là Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh và Công ty Cổ phần Giao thông xây dựng số 1. Những mỏ đất này sẽ cung cấp nguồn cung khoáng sản cho dự án đoạn Vạn Ninh – Cam Lộ, với trữ lượng khoáng sản dự kiến khai thác lên đến 1,1 triệu m3 đất.
UBND tỉnh Quảng Trị cũng yêu cầu Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh và các nhà thầu thi công tiến hành đánh giá lại chất lượng và trữ lượng đất san lấp sẽ được khai thác, đồng thời thực hiện đầy đủ các nội dung và yêu cầu theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, như đã quy định trong Văn bản số 1411/BTNMT-ĐCKS ngày 18/3/2022 và Văn bản số 4766/BTNMT-KSVN ngày 20/6/2023.
8. Đường cao tốc Quảng Trị – Đà Nẵng (Cam Lộ – Tuý Loan)
Thông tin nhanh: Đường cao tốc có tổng chiều dài là 182 km, với điểm bắt đầu tại Km 11+922 tỉnh Quảng Trị và điểm cuối nối vào Km 24+100 Quốc lộ 14B tại khu vực Túy Loan.
Thiết kế: Tuyến cao tốc này có quy mô thiết kế với 4 làn xe.
Tiến độ: Dự án này đã thông xe đoạn từ La Sơn đến Túy Loan có chiều dài 77,5 km. Đoạn từ Cam Lộ đến La Sơn với tổng chiều dài 98,4 km hiện đang thi công. Dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2022.
Ngày 31/12/2022, tại nút giao cầu Tuần, xã Hương Thọ (thuộc thành phố Huế), Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Ủy ban nhân dân của hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị tổ chức một Lễ khánh thành trọng đại cho dự án thành phần Cam Lộ-La Sơn, nằm trong “Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 1 (2017-2022)”.
Lễ khánh thành được diễn ra với sự hiện diện của các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, bao gồm ông Nguyễn Văn Thắng – Bộ trưởng Giao thông Vận tải, ông Lê Trường Lưu – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, ông Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh Thừa Thiên Huế, và đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành của Trung ương, cùng với lãnh đạo Quân khu 4 và UBND hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, cùng với các sở, ban, ngành địa phương.
9. Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (Tuý Loan – Quảng Ngãi)
Thông tin nhanh: Đường cao tốc này đi qua 3 tỉnh là Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Với điểm đầu giao với quốc lộ 14B, điểm cuối giao với đường vành đai tại phía Tây thành phố Quảng Ngãi. Tổng chiều dài của cao tốc là 139 km.
Thiết kế: cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi được thiết kế có 4 làn xe, mặt đường rộng 26m và mặt đường bằng bê tông asphalt. Tốc độ lưu thông cho phép của xe là 120km/h. Đây là tuyến cao tốc loại A do VEC làm chủ đầu tư với kinh phí dự kiến là 28.518 tỷ đồng.
Tiến độ thi công: Tuyến cao tốc này được khởi công xây dựng vào 19/5/2013 và được chia làm hai đoạn để hoàn thành đó là Đà Nẵng – Tam Kỳ (Quảng Nam); Tam Kỳ – Quảng Ngãi. Đà Nẵng, Quảng Ngãi đã thu hồi vĩnh viễn khoảng 9,6 triệu m2 đất, gần 66,3 nghìn m2 nhà cửa để xây đường cao tốc này. Hiện tại đường cao tốc này đã thông xe vào năm 2018.
Theo thông tin từ Cục Quản lý đầu tư xây dựng thuộc Bộ Giao thông Vận tải, dự án xây dựng tuyến cao tốc Hòa Liên – Túy Loan, nằm trong tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông của TP Đà Nẵng, dự kiến sẽ khởi công xây dựng vào tháng 7/2023 với quy mô phân kỳ 4 làn xe hoàn chỉnh.
Hiện tại, công tác khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật và dự toán đang được triển khai. Dự kiến, hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán sẽ được hoàn thiện và trình cơ quan chuyên môn thẩm định trong tháng 4/2023.
Trong tháng 7/2023, công tác lựa chọn nhà thầu và khởi công dự án sẽ được triển khai, theo thông tin từ Cục Quản lý đầu tư xây dựng.
10. Đường cao tốc Quảng Ngãi – Bình Định (Quảng Ngãi – An Nhơn)
Thông tin nhanh: Đường cao tốc này có chiều dài 170km với điểm đầu từ giao đường vành đai tại phía Tây thành phố Quảng Ngãi, điểm cuối tại vị trí giao với Quốc lộ 19 tại địa phận thị xã An Nhơn tỉnh Bình Định. Dự án này được kỳ vọng sẽ tạo động lực phát triển kinh tế vùng.
Thiết kế: Cao tốc Quảng Ngãi – Bình Định (Quảng Ngãi – An Nhơn) được thiết kế với quy mô 4 làn xe.
Tiến độ thi công: Tuyến đường này sẽ được đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2021 – 2025.
Sau hơn 10 tháng được giao làm chủ đầu tư tiểu dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho đoạn qua địa bàn tỉnh của dự án thành phần cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn, Quảng Ngãi đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm của các cấp lãnh đạo cơ quan, đơn vị và địa phương, cũng như cán bộ, công chức và người lao động trong tỉnh.
Công tác thi công khu tái định cư cũng đã được nhà thầu đẩy nhanh tiến độ. Hiện tại, công tác san nền, cấp điện, hạ tầng thoát nước và nền đường đã được hoàn thành một phần, và kế hoạch thảm bê tông nhựa mặt đường các khu tái định cư trước ngày 25/6/2023 đã được đề ra. Cùng với đó, dự kiến hoàn thiện tất cả các hạng mục hạ tầng kỹ thuật còn lại trước ngày 30/6/2023.
11. Đường cao tốc Bình Định – Nha Trang (An Nhơn – Nha Trang)
Thông tin nhanh: Cao tốc này có điểm đầu tại vị trí giao với quốc lộ 19 tại thị xã An Nhơn tỉnh Bình Định. Điểm cuối là vị trí giao với đường tỉnh 65-22 tại địa phận xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Toàn tuyến có chiều dài 215 km.
Thiết kế: Đường cao tốc Bình Định – Nha Trang được thiết kế với quy mô 4 làn xe.
Tiến độ thi công: Tuyến đường cao tốc này sẽ được xây dựng trong giai đoạn từ năm 2021 – 2025.
Thời hạn bàn giao mặt bằng cho dự án cao tốc Vân Phong – Nha Trang tại tỉnh Khánh Hòa đã được định là ngày 30/6/2023. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, tiến độ bàn giao mặt bằng mới đạt gần 80%. Để đảm bảo hoàn thành đúng hạn, các địa phương đang nỗ lực khẩn trương trong việc thi công khu tái định cư và thậm chí đang xem xét phương án tạm cư để đảm bảo bàn giao mặt bằng kịp thời.
Dự án thành phần Vân Phong – Nha Trang là một phần của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam, có tổng chiều dài hơn 83km và nằm hoàn toàn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Dự án này được đầu tư và xây dựng từ nguồn ngân sách nhà nước, với công tác khởi công được tiến hành từ đầu năm 2023. Tuy nhiên, dự án hiện đang gặp phải nhiều khó khăn và điểm nghẽn phát sinh. Nếu không được giải quyết kịp thời, các vấn đề này có thể ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án vào đầu năm 2026.
12. Đường cao tốc Nha Trang – Phan Thiết
Thông tin nhanh: Cao tốc Nha Trang – Phan Thiết có điểm đầu tại vị trí giao với đường tỉnh 65-22 địa phận xã Diên Thọ Khánh Hòa, điểm cuối nằm trên quốc lộ 1A đi Ba Bàu khu vực phía Nam khu đô thị Ngã Hai và khu công nghiệp Hàm Kiệm, tỉnh Bình Thuận. Đặc biệt, nó sẽ nối với cao tốc Dầu Giây- Phan Thiết. Đường cao tốc này có tổng chiều dài là 235 km
Thiết kế: Cao tốc Nha Trang – Phan Thiết thuộc 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận có quy mô thiết kế từ 4-6 làn xe.
Tiến độ thi công: Đường cao tốc này được chia làm 2 giai đoạn để thi công, cụ thể: Đoạn 1 từ Phan Thiết – Ninh Thuận và đoạn 2 từ Ninh Thuận – Nha Trang. Dự kiến, tuyến cao tốc sẽ được thông xe vào năm 2022.
Dự án cao tốc Nha Trang – Cam Lâm theo hình thức BOT dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 9/2023. Hiện tại, tổng khối lượng thi công đã đạt 71% giá trị hợp đồng. Bộ Giao thông Vận tải đánh giá rằng, tiến độ dự án này đã cơ bản đáp ứng theo cam kết và mục tiêu hoàn thành.
Dự án cao tốc Nha Trang – Cam Lâm có chiều dài hơn 49km, với tổng mức đầu tư hơn 4.345 tỷ đồng theo hình thức BOT. Trong đó, vốn nhà nước tham gia là hơn 2.967 tỷ đồng và vốn nhà đầu tư BOT là hơn 2.556 tỷ đồng. Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải đã trúng thầu làm nhà đầu tư cho dự án này. Dự án đã khởi công vào tháng 9/2021.
Vào lúc 15 giờ ngày 18/6/2023, tại Km1604+700 của dự án cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết (giao với QL1) thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, Bộ Giao thông Vận tải (BGTVT) đã tổ chức lễ khánh thành tuyến cao tốc này. Dự án đã được đưa vào khai thác từ 1 tháng trước, và lễ khánh thành chính thức diễn ra trong ngày hôm đó.
Đồng thời, tại Km33+800 của dự án đường cao tốc Nha Trang – Cam Lâm, thuộc xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, đã tổ chức điểm cầu chính để lễ khánh thành, với việc kết nối trực tuyến với điểm tổ chức lễ khánh thành ở Bình Thuận. Tại điểm cầu Khánh Hòa, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đại diện các bộ ngành và cư dân vùng dự án đã có mặt tham dự lễ khánh thành.
13. Đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây
Thông tin nhanh: Đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây có điểm đầu tại vị trí nằm trên quốc lộ 1A đi Ba Bàu, điểm cuối kết nối với dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây với tổng chiều dài là 98km.
Thiết kế: Đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây được thiết kế với 6 làn xe. Chiều rộng mặt đường là 33 mét và tốc độ thiết kế xe chạy là 120km/h. Đây là đường cao tốc loại A.
Tiến độ thi công: Theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải (BGTVT), sau lễ khánh thành vào sáng ngày 29/4, tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn Phan Thiết – Dầu Giây sẽ được mở cửa để phương tiện giao thông lưu thông miễn phí từ 0h ngày 30/04/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Trên tuyến cao tốc này, áp dụng tốc độ tối đa là 120 km/h và tốc độ tối thiểu là 60 km/h.
14. Đường cao tốc Dầu Giây – Long Thành
Thông tin nhanh: Đường cao tốc Dầu Giây – Long Thành có điểm đầu là nút giao thông An Phú, thuộc Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh, điểm cuối nút giao thông Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Tổng chiều dài của cao tốc là 55,7 km.
Thiết kế: Tuyến cao tốc Dầu Giây – Long Thành có quy mô thiết kế là 4 làn xe. Chiều rộng nền đường là 26,5 m. Chiều rộng làn dừng xe khẩn cấp là 2×3 m. Tốc độ thiết kế cho xe chạy là 100 km/h.
Tiến độ thi công: Đường cao tốc này đã được đưa vào hoạt động từ ngày 8 tháng 2 năm 2015.
15. Đường cao tốc Long Thành – Bến Lức
Thông tin nhanh: Cao tốc Long Thành – Bến Lức dài 58 km đi qua 3 tỉnh, thành phố Long An – TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai có điểm đầu tại nút giao với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương ở xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Điểm kết thúc tại nút giao với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu tại xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Thiết kế: Tuyến đường này được thiết kế theo tiêu chuẩn TCVN 5729-97. Đây là đường cao tốc loại A với 4 làn xe ở giai đoạn 1 và mở rộng 8 làn xe ở giai đoạn 2. Trên toàn tuyến xây dựng 2 cầu dây văng lớn là Phước Khánh và Bình Khánh. Tốc độ thiết kế cho xe chạy là 120 km/h.
Tiến độ thi công: Tuyến cao tốc Long Thành – Bến Lức được chia làm hai giai đoạn để hoàn thành. Giai đoạn 1 sẽ xây dựng cầu về một bên của tim tuyến và không có làn dừng xe khẩn cấp.
Ngày 16/6/2023, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã trình Thủ tướng xem xét về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư cho dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành. Theo đề xuất của Bộ GTVT, Chính phủ sẽ cho phép lùi tiến độ dự án đến tháng 9/2025; đồng thời, cho phép Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) sử dụng tiền thu phí đang tạm nhàn rỗi để thay vốn đối ứng còn lại và vốn vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hết hạn giải ngân.
Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành có tổng mức đầu tư lên tới 31.320 tỷ đồng, tương đương hơn 1,6 tỷ USD, nhưng thi công đã tạm dừng từ năm 2019 do thiếu vài trăm tỷ đồng để đối ứng cho dự án.
Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang về tháo gỡ thủ tục để Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) được bố trí vốn đối ứng còn lại để tiếp tục thi công cao tốc Bến Lức – Long Thành.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh rằng việc tiếp tục thực hiện dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành là vấn đề cấp bách, và yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương rà soát và đưa ra ý kiến rõ ràng về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư cho tuyến cao tốc này.
16. Đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ
Thông tin nhanh: Đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ dài 92 km với điểm đầu là vị trí nút giao Thân Cửu Nghĩa khớp nối với khu vực cuối của đoạn cao tốc từ Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương, điểm cuối là vị trí tiếp nối với đường dẫn vào cầu Cần Thơ.
Tuyến cao tốc này sẽ góp phần rút ngắn thời gian di chuyển từ thành phố HCM đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và giải quyết tình trạng quá tải cho quốc lộ 1A.
Thiết kế: Đang cập nhật
Tiến độ thi công: Đoạn đường này được khởi công vào vào tháng 2 năm 2015. Thời gian hoàn thành dự kiến vào năm 2023 với mức chi phí khoảng 14.600 tỉ đồng.
Cầu Mỹ Thuận 2 có chiều dài hơn 6km (bao gồm cả đường dẫn), với tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Dự án đã khởi công vào tháng 3/2020 và kế hoạch hoàn thành vào tháng 12/2023.
Dự án Cầu Mỹ Thuận 2 dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 12 năm nay. Số liệu từ Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, hiện tại tổng khối lượng thi công đã đạt gần 77% giá trị hợp đồng. Đa số các gói thầu đã hoàn thành hoặc sắp hoàn thành, chỉ còn một gói thầu đạt hơn 45% giá trị.
Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Ban quản lý dự án 2 (đại diện chủ đầu tư) để chỉ đạo các nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc và thiết bị để tăng ca trong quá trình thi công. Trong trường hợp tiến độ vẫn không có chuyển biến tích cực, chủ đầu tư sẽ cắt giảm khối lượng công việc và xử lý nhà thầu vi phạm.
Theo kế hoạch, Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ giai đoạn 1 sẽ hoàn thành vào ngày 31/12/2023. Điều này có nghĩa là chỉ còn 6 tháng để các nhà thầu tiến hành thi công nhanh chóng trong các gói thầu quan trọng nhằm đưa tuyến cao tốc này đến đích.
Theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải, kế hoạch thi công và cam kết của các nhà thầu tham gia Dự án với mục tiêu hoàn thành vào ngày 31/12/2023 đã được Tư vấn giám sát và Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Chủ đầu tư) chấp thuận cho tất cả các gói thầu XL-01, XL-02 và XL-03.
Theo thông tin mới nhất từ Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, cho đến nay, các nhà thầu đã hoàn thành giai đoạn đắp gia tải 1 (13,42km/13,42km) và giai đoạn đắp gia tải 2 (6,63km/6,63km) đối với tuyến chính. Đồng thời, đã tập kết cấp phối đá dăm về công trường với khối lượng 188.850 m3 (đạt 59,1%).
Tăng tốc hoàn thành hơn 410km đường bộ Cao tốc Bắc – Nam trong năm 2023
Theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải, đơn vị này đang nỗ lực chỉ đạo các cơ quan và đơn vị liên quan để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành 7 dự án thành phần trên tuyến đường cao tốc Bắc-Nam trong năm 2023, với tổng chiều dài khoảng 411,6km.
Để đạt được mục tiêu nối thông toàn tuyến đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông vào cuối năm 2025, Bộ Giao thông Vận tải đã chia dự án thành 2 giai đoạn để triển khai thực hiện, phù hợp với nhu cầu vận tải và nguồn lực đầu tư.
Cụ thể, giai đoạn 2017-2020 của dự án xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông đã được chia thành 11 dự án thành phần, bao gồm 3 dự án PPP và 8 dự án đầu tư công, với tổng chiều dài 652,9km. Hiện nay, đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng 2 dự án thành phần là Cao Bồ-Mai Sơn (dài 15,2km) và Cam Lộ-La Sơn (dài 98,3km), tổng chiều dài 113,5km.
Bộ Giao thông Vận tải đang chỉ đạo mạnh mẽ các cơ quan và đơn vị liên quan để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành 7 dự án thành phần khác trong năm 2023, bao gồm Mai Sơn-Quốc lộ 45 (dài 63,4km), Vĩnh Hải-Phan Thiết (dài 100,8km), Phan Thiết-Dầu Giây (dài 99km), Quốc lộ 45-Nghi Sơn (dài 43,2km), Nghi Sơn-Diễn Châu (dài 50km), Nha Trang-Cam Lâm (dài 49,1km) và cầu Mỹ Thuận 2 (dài 6,01km).
Các dự án thành phần còn lại là Cam Lâm-Vĩnh Hảo (dài 78,5km) và Diễn Châu-Bãi Vọt (dài 49,3km) sẽ hoàn thành trong năm 2024, với tổng chiều dài 127,8km.
Đối với giai đoạn 2021-2025 của dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông, theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, dự án này đã được chia thành 12 dự án thành phần với tổng chiều dài khoảng 721,2km.
Để đảm bảo tiến độ hoàn thành vào cuối năm 2025 theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương và các cơ quan đơn vị liên quan để khởi công đồng loạt các dự án vào ngày 1/1/2023. Các nhà thầu đang tập trung nguồn lực để triển khai thi công đồng loạt trên toàn tuyến, nhằm đảm bảo tiến độ theo yêu cầu.
Về đầu tư đường ven biển, theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, đã hoàn thành 727/776km (đạt 93,8%) của các đoạn tuyến trùng với Quốc lộ, cao tốc do Bộ tổ chức thực hiện. Các đoạn tuyến còn lại đang được tiếp tục huy động nguồn lực để đầu tư. Đối với các đoạn tuyến thuộc trách nhiệm đầu tư của địa phương (2.217km), các địa phương đang tích cực huy động nguồn lực để thực hiện đầu tư, tuy nhiên, do hạn chế về nguồn lực, việc đảm bảo thông toàn tuyến vẫn còn khó khăn.
Trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để huy động nguồn lực và thực hiện đầu tư các tuyến đường ven biển, nhằm sớm thông tuyến, khai thác đồng bộ và đạt hiệu quả đầu tư.
Vì sao cần đẩy mạnh xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc Nam
Việc đẩy mạnh xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc-Nam được thúc đẩy vì các lí do sau đây:
- Hình thành mạng lưới đường cao tốc quốc gia nhanh chóng: Xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc-Nam giúp đảm bảo kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm, cửa khẩu chính và các đầu mối giao thông quan trọng có nhu cầu vận tải lớn và tốc độ cao. Đặc biệt, ưu tiên xây dựng các tuyến đường cao tốc nối các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, cũng như các tuyến nối với các cảng biển lớn.
- Liên kết cao với các phương thức vận tải hiện đại khác và hội nhập khu vực, quốc tế: Mạng lưới đường cao tốc Bắc-Nam tạo điều kiện thuận lợi để kết nối với các phương thức vận tải khác như đường sắt, hàng không và đường thủy, từ đó tăng cường sự hội nhập khu vực và quốc tế của Việt Nam.
- Bảo đảm liên kết với mạng đường bộ hiện có và bảo vệ môi trường: Xây dựng đường cao tốc cần đảm bảo sự liên kết với mạng đường bộ hiện có, đồng thời phải đảm bảo bảo vệ môi trường và cảnh quan xung quanh.
- Giải quyết ách tắc giao thông: Xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc-Nam có vai trò quan trọng trong giải quyết tình trạng ách tắc giao thông, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
- Quy hoạch hoàn chỉnh và phân kỳ xây dựng: Các tuyến đường cao tốc trong quy hoạch được xác định với quy mô hoàn chỉnh. Tuy nhiên, việc thực hiện có thể phân kỳ xây dựng để điều chỉnh cho phù hợp với lưu lượng xe và khả năng huy động nguồn vốn. Đồng thời, cần tiến hành quản lý quỹ đất để hạn chế chi phí giải phóng mặt bằng trong quá trình xây dựng.
Trên đây là những đoạn cao tốc thuộc dự án cao tốc Bắc Nam mà chúng tôi đã tổng hợp. Hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu hơn về dự án này.
Nguồn: Invert.vn