Theo tinh thần của Nghị quyết, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương đẩy mạnh phục hồi và phát triển sản xuất các ngành công nghiệp. Theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu thế giới và trong nước, có các giải pháp bảo đảm cung cầu xăng dầu trong nước. Có phương án, giải pháp cung cấp, cân đối hàng hóa thiết yếu trên thị trường trong điều kiện các nguồn cung truyền thống có thể bị suy giảm; bảo đảm ô xy cho y tế.
Phát triển mạnh thị trường trong nước gắn với thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới; tiếp tục tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trực tuyến gắn với chuyển đổi số. Tăng cường phòng chống gian lận xuất xứ hàng hóa.
Thường xuyên theo dõi chặt chẽ hoạt động mua bán hàng hóa qua biên giới, kịp thời theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền tháo gỡ các vướng mắc phát sinh. Tiếp tục có các giải pháp đồng bộ tăng cường quản lý xuất nhập khẩu theo đúng quy định và thông lệ quốc tế. Có các giải pháp linh hoạt, tận dụng các phương thức vận tải khác như đường biển, đường sắt để tạo thuận lợi trong xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa, nhất là đối với hàng nông sản.
Phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2022
Nghị quyết nêu rõ, thời gian tới nền kinh tế nước ta dự báo vẫn gặp những khó khăn, thách thức từ diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch COVID-19 và biến động tình hình quốc tế, khu vực; thuận lợi, khó khăn đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương phải quyết tâm, nỗ lực hơn nữa trong việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/1/2022, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ, các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp đề ra với tinh thần “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2022, tạo nền tảng, động lực cho phục hồi và phát triển của cả giai đoạn 2021 – 2025.
Trong đó, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; chủ động theo dõi sát diễn biến, tình hình dịch bệnh trong và sau Tết để có phương án phòng, chống dịch phù hợp. Tập trung triển khai “thần tốc, thần tốc hơn nữa” Chiến dịch tiêm chủng vaccine Mùa Xuân năm 2022, bảo đảm an toàn, hiệu quả; hoàn thành việc tiêm mũi thứ 3 (mũi tăng cường) cho toàn bộ người dân thuộc diện tiêm chủng trong quý I năm 2022, đẩy nhanh hơn nữa tiêm cho trẻ em. Tập trung nâng cao năng lực điều trị, giảm các ca bệnh chuyển nặng và giảm tối đa các trường hợp tử vong do dịch COVID-19; tiếp tục tăng cường y tế cơ sở, y tế dự phòng ngay tại cấp cơ sở, chú trọng nâng cao năng lực điều trị, nâng cấp các trang thiết bị y tế ở các trung tâm điều trị lớn.
Thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Tổ chức ứng trực 24/24 giờ, chuẩn bị sẵn sàng, bảo đảm chủ động đối với mọi tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân trong dịp Tết. Các địa phương không ban hành các quy định phòng, chống dịch trái với hoặc cao hơn quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế.
Chủ động rà soát xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và khả năng thực hiện. Chăm lo sức khỏe, đời sống người dân, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục. Bảo đảm tổ chức cho mọi người dân, mọi gia đình vui xuân, đón Tết an toàn, nghĩa tình, tri ân, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm với tinh thần “không để ai không có Tết”. Xử lý kịp thời, hiệu quả các vấn đề phát sinh trong dịp Tết và bắt tay vào công việc ngay sau kỳ nghỉ Tết; tích cực tổ chức triển khai Tết trồng cây tại các địa phương.
Thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.
Khẩn trương rà soát phân bổ và giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đúng quy định, phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, dứt khoát không dàn trải, manh mún, kéo dài. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công gắn với việc làm rõ trách nhiệm người đứng đầu trong việc bảo đảm tiến độ và chất lượng. Chủ động có kế hoạch và giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công, thanh toán vốn cho dự án ngay khi có khối lượng nghiệm thu theo quy định.
Ưu tiên nguồn lực tập trung triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030; rà soát, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ các thủ tục hành chính, triển khai các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu kết nối với cổng Dịch vụ công quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp khẩn trương hoàn thiện dự thảo các Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan mình, trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quý I năm 2022.
Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định giá cả, thị trường, cung ứng đầy đủ hàng hóa tiêu dùng cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán. Xây dựng các kịch bản và phương án kiểm soát lạm phát, phát triển hài hòa thương mại trong nước và xuất nhập khẩu, bảo đảm cán cân thương mại bền vững.
Các Bộ: Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, cơ quan liên quan và các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tập trung rà soát, kiểm tra hoạt động của các tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường; đánh giá tác động của các trường hợp có kết quả đấu giá bất thường để kịp thời có biện pháp xử lý, không để xảy ra tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản.
Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai chịu trách nhiệm trước Chính phủ về tiến độ triển khai Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, bảo đảm đưa Dự án vận hành vào năm 2025 theo đúng Nghị quyết số 95/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội. Các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung hoàn thiện, sớm báo cáo cấp có thẩm quyền phương án xử lý các vấn đề, dự án tồn đọng, kéo dài như phương án cơ cấu lại Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, xử lý 7/12 dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ của ngành công thương.
Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sớm hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 21/TB-VPCP ngày 24/1/2022 của Văn phòng Chính phủ.
Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, các Bộ, cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành đầy đủ thủ tục theo quy định để trình Chính phủ Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 23/TB-VPCP ngày 25/1/2022 của Văn phòng Chính phủ.
Theo moit.gov.vn