Tình hình ngành vật liệu xây dựng nửa cuối năm 2024: Thách thức và cơ hội mới
Ngành vật liệu xây dựng Việt Nam nửa cuối năm 2024 đối mặt với nhiều thách thức khi thị trường tiêu thụ trong nước sụt giảm, tồn kho tăng cao, và chi phí sản xuất leo thang.
Ngành vật liệu xây dựng Việt Nam đang đối diện với khó khăn do sụt giảm nhu cầu tiêu thụ và chi phí sản xuất tăng cao.
Ngành vật liệu xây dựng khó khăn tìm đầu ra
Ngành vật liệu xây dựng Việt Nam tăng trưởng sản xuất mạnh nhưng đối mặt với khó khăn lớn trong việc tìm đầu ra.
Tình hình sản xuất và nhu cầu vật liệu xây dựng
Nhờ nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trong nước đang không ngừng phát triển trong những năm trở lại đây.
Tổng mức đầu tư các ngành VLXD tính theo giá trị hiện nay
Ngành xi măng Việt Nam đứng top đầu thế giới với tổng công suất 122 triệu tấn/năm. Tính đến quý II/2024, tổng mức đầu tư ước tính theo giá trị lên 20 tỷ USD (tương đương 500.000 tỷ đồng).
Gạch ốp lát cũng thu hút được đầu tư với tổng công suất đạt 831 triệu m2/năm. Tính đến quý II/2024, mức đầu tư ước tính theo giá trị khoảng 4 tỷ USD (tương đương 100.000 tỷ đồng).
Với mảng sản xuất kính, Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước có sản lượng lớn nhất khu vực ASEAN với tổng công suất đạt 5.900 tấn thuỷ tinh/ngày. Ngành vật liệu không nung đã được đầu tư với tổng công suất đạt 12 tỷ viên/năm.
Riêng đối với ngành thép, sản lượng sản xuất thép thô của Việt Nam đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 13 thế giới với hơn 20 triệu tấn/năm, theo dự kiến mức tăng trưởng này sẽ vượt trên 10% vào cuối năm 2024.
Thị trường tiêu thụ trong nước sụt giảm
Trái với tốc độ tăng trưởng về sản xuất, thị trường tiêu thụ trong nước ngày càng sụt giảm khiến các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng gặp khó trong việc tìm đầu ra. Cầu trong nước và quốc tế đều suy giảm, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thị trường bất động sản trong nước phục hồi chậm, nhiều công trình, dự án hạ tầng trọng điểm bị trì hoãn hoặc kéo dài tiến độ.
Thêm vào đó, chi phí vận chuyển quốc tế tăng cao, xuất khẩu sản phẩm vật liệu xây dựng giảm do cạnh tranh khốc liệt về giá từ các nhà sản xuất lớn trên thế giới, cùng với các quy định hàng rào kỹ thuật khắt khe ở thị trường nước ngoài.
Trong khi đó, thị trường trong nước đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ sản phẩm nhập khẩu, lượng hàng ngoại nhập gia tăng đáng kể trong thời gian gần đây.
Những yếu tố tác động đến ngành vật liệu xây dựng
Ngành vật liệu xây dựng Việt Nam chịu tác động lớn từ sự phục hồi chậm của bất động sản, tồn kho tăng cao và sản xuất đình trệ. Nhiều dây chuyền xi măng, kính phải ngừng hoạt động do không tiêu thụ được sản phẩm.
Thị trường bất động sản phục hồi chậm
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), thị trường bất động sản đang có dấu hiệu phục hồi và dự kiến sẽ chuyển biến tích cực vào cuối năm 2024 và đầu năm 2025
Tuy nhiên, WB cũng chỉ ra rằng nguồn cung dự án được cấp phép và số lượng căn hộ mới trong quý 1-2024 gần như không thay đổi so với quý 4-2023. Nguyên nhân chính là do quy trình giải phóng mặt bằng và đền bù đất đai vẫn chưa có những tiến triển đáng kể.
Nguồn cung bất động sản ra thị trường hiện tại rất hạn chế, dẫn đến khó khăn cho nhiều ngành công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là ngành vật liệu xây dựng và xây dựng. Tình trạng này gây ảnh hưởng đến sản lượng và doanh thu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, đồng thời tạo ra áp lực lớn lên toàn bộ chuỗi cung ứng.
Tồn kho và đình trệ sản xuất
Ngành xi măng có 4 dây chuyền với tổng công suất 11,4 triệu tấn đã hoàn tất đầu tư nhưng chưa đi vào hoạt động vì không tiêu thụ được sản phẩm.
Từ năm 2023, sản xuất clinker và xi măng đã giảm mạnh, với tổng sản lượng chỉ đạt 92,9 triệu tấn, và các dây chuyền chỉ vận hành ở mức 75% công suất thiết kế. Trong 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng sản xuất xi măng dự kiến vẫn đạt khoảng 44 triệu tấn, tương đương cùng kỳ năm 2023, trong khi tồn kho lũy kế lên tới 5 triệu tấn.
Sản xuất clinker và xi măng đã giảm mạnh (Nguồn: ximang.vn)
Từ năm 2023 đến nay, ngành kính đã ghi nhận 3 dây chuyền phải dừng sản xuất trên 6 tháng, cùng với 1 dự án chưa triển khai xây dựng. Tiêu thụ sản phẩm kính giảm mạnh kể từ năm 2022, và trong năm 2023, mức tiêu thụ đã giảm 33% so với năm 2020.
Chi phí đầu vào tăng cao
Giá nguyên vật liệu đầu vào, đặc biệt là giá than, đã tăng đột biến, làm gia tăng áp lực lên chi phí sản xuất. Nhiều doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng buộc phải cắt giảm chi phí, tái cơ cấu tổ chức và hoãn các khoản đầu tư không cần thiết để duy trì hoạt động trong bối cảnh thị trường khó khăn.
Kỳ vọng đầu tư công thúc đẩy ngành vật liệu xây dựng
Sự phục hồi của ngành vật liệu xây dựng chủ yếu phụ thuộc vào đầu tư công và hoạt động xây dựng dân dụng.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Chỉ thị 28/CT-TTg, yêu cầu các cấp, ngành thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng, bao gồm đẩy mạnh đầu tư công cho các công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, và phát triển nhà ở xã hội.
Ông Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nhận định rằng đầu tư công sẽ là động lực chính cho ngành vật liệu xây dựng, đặc biệt là ở các dự án hạ tầng trọng điểm như cao tốc Bắc – Nam và sân bay Long Thành.
ĐĂNG KÝ ĐỂ NHẬN BÁO CÁO NGÀNH VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM NỬA CUỐI NĂM 2024
VIRAC còn cung cấp hệ thống dữ liệu kinh tế Data Factory để phục vụ các cá nhân tra cứu dữ liệu thô. Data Factory VIRAC cung cấp dữ liệu của 456 mã ngành với thông tin: Số lượng doanh nghiệp; Số lượng lao động; Doanh thu thuần; Tài sản cố định; Vốn đầu tư cơ bản; Lợi nhuận trước thuế; Thuế và các khoản phải nộp của các ngành kinh tế.
Ngoài ra, thống kê nâng cao Data Factory VIRAC còn cung cấp dữ liệu về sản xuất, tiêu thụ, tồn kho của 1910 sản phẩm theo từng quý, từng tỉnh thành và toàn quốc.
Theo VIRAC.