• Số 1 Đỗ Đức Dục, Nam Từ Liêm, Hà Nội 0943.943.388

    Cách để doanh nghiệp xi măng vượt qua khó khăn chưa từng có trong hơn 100 năm hoạt động

    Các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng theo kế hoạch được phê duyệt, từ đó tạo đầu ra cho các mặt hàng vật liệu xây dựng, trong đó có Xi măng.

    Đây là một trong những giải pháp được các chuyên gia kiến nghị nhằm giúp ngành vật liệu xây dựng nói chung và xi măng nói riêng “vượt khó” trong bối cảnh các ngành sản xuất này đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là trong khâu tiêu thụ sản phẩm.

    Cách để doanh nghiệp xi măng vượt qua khó khăn chưa từng có trong hơn 100 năm hoạt động

    Theo thường lệ, giai đoạn cuối năm là cao điểm của mùa xây dựng, kéo theo nhu cầu tiêu thụ các loại vật liệu xây dựng tăng lên. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng từ sắt, thép, gạch, đặc biệt là xi măng đang ở mức thấp.

    Ông Nguyễn Quang Hiệp, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết hiện trên cả nước có 8 dây chuyền sản xuất xi măng phải ngừng hoạt động, nhiều nhà máy phải dừng 1 hoặc 2 dây chuyền để giảm lượng tồn kho.

    Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, 11 tháng đầu năm nay, cả nước sản xuất hơn 80 triệu tấn xi măng, trong đó 52 triệu tấn tiêu thụ trong nước, 29 triệu tấn xuất khẩu. So với cùng kỳ năm 2022, sản lượng sản xuất xi măng giảm 12%, tiêu thụ trong nước giảm 16%.

    Lý giải nguyên nhân khiến lượng tiêu thụ xi măng giảm, ông Hiệp cho rằng sự sụt giảm của thị trường bất động sản, doanh nghiệp ngành này gặp khó khăn về thủ tục pháp lý, vốn… dẫn đến dự án bị đình trệ, giãn hoãn tiến độ; tiến độ đầu tư công chậm…

    Năm 2010, Việt Nam lần đầu tiên tự cung cấp đủ clinker, xi măng để phục vụ đủ nhu cầu xây dựng nội địa và bắt đầu dành một phần sản lượng xi măng, clinker để xuất khẩu, hình thành những nhà máy sản xuất xi măng với quy mô lớn có công nghệ tiên tiến, làm tăng khả năng cạnh tranh ở trong khu vực lẫn trên thế giới.

    “Đến năm 2021, năng lực sản xuất đã đạt 106 triệu tấn xi măng, năm 2023 năng lực thiết kế đạt mức 112 triệu tấn, thậm chí trên thực tế có thể sản xuất trên 125 triệu tấn. Mặc dù vậy thì nhu cầu trong nước chỉ bằng hơn một nửa đã khiến cho doanh nghiệp lao đao, ông Hiệp thông tin thêm”.

    Cách để doanh nghiệp xi măng vượt qua khó khăn chưa từng có trong hơn 100 năm hoạt động

    Dư thừa xi măng đang ở mức báo động khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó

    Về kết quả kinh doanh, trong 12 doanh nghiệp xi măng niêm yết trên sàn chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2023 thì có 10 doanh nghiệp báo lỗ.

    Để giúp ngành xi măng vượt qua khó khăn, ông Hiệp cho rằng các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng đã được phê duyệt.

    Ngoài ra, cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ; đẩy nhanh triển khai thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trên cả nước. Khi các hoạt động xây dựng nhà ở, công trình khởi sắc sẽ gia tăng nhu cầu về các nguyên vật liệu xây dựng.

    Về mặt chính sách thuế, lãnh đạo Vụ Vật liệu Xây dựng kiến nghị Chính phủ tạm hoãn việc tăng thuế xuất khẩu clinker từ 5% lên 10% và tạm giữ mức thuế suất xuất khẩu clinker ở mức cũ 5% thêm 2 năm. Điều này kỳ vọng giúp doanh nghiệp tiêu thụ xi măng trong giai đoạn hiện nay.

    Đồng thời, kiến nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi chính sách thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm clinker xuất khẩu, theo hướng sản xuất clinker xuất khẩu không thuộc đối tượng hàng hóa không chịu thuế giá trị gia tăng.

    Cách để doanh nghiệp xi măng vượt qua khó khăn chưa từng có trong hơn 100 năm hoạt động

    Để tạo đầu ra của ngành xi măng, Bộ Xây dựng kiến nghị cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng

    Về chính sách đầu tư, kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư tăng tỷ lệ sử dụng cầu cạn đối với các dự án đường bộ cao tốc đang trong giai đoạn thiết kế, đặc biệt là ở địa bàn nền đất yếu, thiếu vật liệu đắp nền đường như vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tăng cường sử dụng công nghệ gia cố đất bằng xi măng trong xây dựng đường bộ.

    Mặt khác, doanh nghiệp xi măng cần đổi mới công nghệ, cải tạo chiều sâu, sử dụng hiệu quả năng lượng, tận dụng nhiệt thừa phát điện; sử dụng rác, phế thải để làm nhiên liệu đốt thay thế than, tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.

    Thời gian tới, các doanh nghiệp ngành này cần chủ động phát triển thương hiệu, đẩy mạnh tìm kiếm mở rộng thị trường; đầu tư chuyển đổi mô hình sản xuất xanh, tạo ra các sản phẩm xi măng xanh, hướng đến phát triển bền vững.

    Nguồn: cafeland.vn

    Thẻ bài viết

    • gian đặc biệt
    • gian hàng
    • gian tiêu chuẩn
    • Máy móc xây dựng
    • ô tô
    • Thép
    • Xây dựng
    Translate »