Ngành sản xuất bê tông có thêm lựa chọn mới với phụ gia hiệu suất cao UHP
Trong điều kiện tài nguyên ngày càng khan hiếm, việc tìm kiếm các nguyên vật liệu mới nhằm cải thiện tính chất của bê tông là một yêu cầu cấp thiết.
Ngành sản xuất bê tông tìm “lối ra” khi bất động sản trầm lắng
Tấm panel ALC giúp đẩy nhanh tiến độ thi công, tiết kiệm chi phí xây dựng
Ngày 18/11, Silkroad Hanoi JSC (thuộc Silkroad Group) đã tổ chức Hội thảo Khoa học kỹ thuật phụ gia bê tông năm 2023. Hội thảo có sự tham dự của các nhà quản lý, chuyên gia cùng nhiều công ty hoạt động trong ngành xây dựng trong và ngoài nước.
PGS. TS. Lê Trung Thành phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, mỗi năm trên thế giới có khoảng 15 tỷ m3 bê tông và vữa các loại được sản xuất.
Tại thị trường Việt Nam, khoảng hơn 220 triệu m3 bê tông và vữa được sản xuất hàng năm tại các nhà máy cấu kiện bê tông đúc sẵn, các trạm trộn bê tông thương phẩm và trực tiếp tại các công trình xây dựng và các hộ dân xây dựng, sửa chữa công trình.
Theo ông Lê Trung Thành, Chiến lược phát triển Vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 đã đề ra các mục tiêu phát triển đối với vật liệu bê tông. Trong đó, tiếp tục đầu tư các trạm trộn bê tông thương phẩm để thay thế cho chế tạo bê tông thủ công, đơn giản, phân tán, không đảm bảo chất lượng và gây ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư các nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông các loại (bê tông nhẹ, bê tông phục vụ công trình ven biển và hải đảo; bê tông cường độ cao, tính năng cao, bê tông xuyên nước chống ngập úng, giảm tiếng ồn cho các đô thị…) để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Việt Nam chú trọng phát triển và áp dụng rộng rãi các loại bê tông cường độ cao trên 100MPa; các sản phẩm cấu kiện bê tông tiền chế, lắp ghép theo mô-đun, bản mỏng, tiết diện nhỏ; bê tông bền với môi trường biển, bê tông chịu nhiệt, bê tông in 3D, ứng dụng các loại phụ gia khoáng, phụ gia hóa học để tối ưu hóa chất lượng bê tông.
Ông Lê Trung Thành cho biết, nhiều công trình lớn tại Việt Nam như Landmark 72 hay Landmark 81 đã sử dụng phụ gia bê tông Silkroad trong quá trình xây dựng.
Silkroad giới thiệu về các dòng sản phẩm phụ gia bê tông
Cũng tại hội thảo, ông Ju Young-gil, thành viên của Viện Nghiên cứu Silkroad C&T đã giới thiệu công nghệ phụ gia hiệu suất cực cao UHP. Đây là sản phẩm giúp cải thiện độ kết dính của bê tông và cải thiện độ nhạy của bê tông dựa theo đặc tính của xi măng, cốt liệu mịn, cát nghiền hoặc lượng nước.
Ngoài ra, phụ gia UHP còn có thể đảm bảo tính lưu động của bê tông khi vận chuyển bằng xe bơm để đổ cho các dự án chung cư, tòa nhà cao tầng.
Bên cạnh sản phẩm phụ gia, Silkroad Hanoi JSC đã giới thiệu về các dòng sản phẩm vật liệu xây dựng khác như vữa, keo dán, chất chống thấm.
Thời gian tới, đại diện công ty này cho biết sẽ ra mắt thêm 8 sản phẩm mới, trong đó có 3 sản phẩm vữa xây dựng, 1 sản phẩm keo dán gạch và 4 sản phẩm vật liệu chống thấm.
Đánh giá cao chất lượng sản phẩm của Silkroad, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, giảng viên Đại học Xây dựng Hà Nội cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của phụ gia hóa học trong sản xuất bê tông. Theo đó, sản phẩm của Silkroad có khả năng thích ứng vượt trội với nhiều môi trường, hoàn cảnh khác nhau.
Theo tìm hiểu, Silkroad Group được thành lập từ năm 1983, là doanh nghiệp đầu tiên ở Hàn Quốc nghiên cứu, phát triển và sản xuất phụ gia thế hệ thứ ba PCE. Hiện thương hiệu này đã xuất khẩu sản phẩm tới 73 quốc gia trên toàn thế giới.
Nguồn: cafeland.vn