• Số 1 Đỗ Đức Dục, Nam Từ Liêm, Hà Nội 0943.943.388

    Phát triển không gian đô thị hiện đại

    Sau khi sáp nhập tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và một số xã thuộc huyện miền núi Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) về Thủ đô, Hà Nội trở thành địa phương có số đơn vị hành chính cấp xã lớn nhất cả nước.

    Để cơ cấu lại không gian phát triển kinh tế-xã hội, thành phố Hà Nội đã tập trung thực hiện công tác quy hoạch, gắn với đầu tư, xây dựng, phát triển không gian đô thị.

    Từ năm 2008, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 16/2008/NĐ-CP về chủ trương di dời trụ sở các cơ quan hành chính nhà nước, các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, bệnh viện lớn ra ngoài khu vực trung tâm thành phố. Các biện pháp, lộ trình và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cũng đã được Thủ tướng Chính phủ nêu tại Quyết định số 130/QĐ-TTg.

    Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã thành lập ban chỉ đạo, xây dựng danh mục cụ thể công trình cần di dời, thứ tự di dời theo các giai đoạn trên địa bàn 12 quận nội thành, với tổng số gần 120 cơ sở, nhưng đến nay, dù đã có chín bộ, ngành, cơ quan trung ương hoàn thành việc đầu tư xây dựng và chuyển về làm việc tại trụ sở mới, song chỉ có một đơn vị bàn giao lại trụ sở cũ cho cơ quan trung ương quản lý.

    Việc chậm trễ di dời trụ sở các cơ quan hành chính nhà nước, các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, bệnh viện lớn đã tạo thêm áp lực dân số, gánh nặng hạ tầng ở khu vực nội đô Hà Nội.

    Quy hoạch trụ sở các bộ, ngành tại khu đô thị Tây Hồ Tây.

    Để giải bài toán nêu trên, Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cùng lộ trình thực hiện theo từng giai đoạn chi tiết, rõ ràng việc xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của 18 bộ, bốn cơ quan ngang bộ, tám cơ quan thuộc Chính phủ và sáu cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại khu vực Tây Hồ Tây và Mễ Trì vừa được công bố.

    Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, khu vực quy hoạch này không những có vị trí giao thông thuận lợi, đáp ứng yêu cầu về công tác đối ngoại mà còn phù hợp định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô năm 2011 và một số đề xuất điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đang thực hiện.

    Đây chính là động lực để thành phố Hà Nội đẩy nhanh tiến độ di dời các nhà máy, trường đại học, cao đẳng và nhiều trụ sở các cơ quan ra khỏi nội đô, kéo theo sự dịch chuyển dân cư, từ đó có thêm không gian để xây dựng trường học, bệnh viện, công viên…

    Cùng với Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, ngành, đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, 15 năm qua, thành phố đã tập trung lập các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và các quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, làm cơ sở đầu tư xây dựng, mở rộng không gian đô thị về các hướng.

    Phía đông có khu đô thị Việt Hưng, Vinhomes River side, Vin City Ocean Park; phía tây có khu đô thị đông nam Trần Duy Hưng, Mỹ Đình, An Khánh, Vinhomes Smart City; phía nam có khu đô thị Linh Đàm, Garmuda; phía bắc có khu đô thị Ciputra, Tây Hồ Tây…, từng bước tạo lập không gian đô thị hiện đại.

    Thành phố cũng đang tập trung quy hoạch, đầu tư xây dựng các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức và Đan Phượng phát triển thành quận; tiếp tục phát triển vùng đô thị mở rộng lên phía bắc, khu vực hai bên tuyến đường Nhật Tân-Nội Bài…

    Theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm, các khu đô thị mới ở Hà Nội không chỉ góp phần tích cực vào việc giải quyết căn bản nhu cầu nhà ở của người dân, mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, tạo nên những không gian sống tốt hơn, nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ cuộc sống ngày càng cao của người dân.

    Mới đây, phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh công tác lập quy hoạch Thủ đô nhằm triển khai một trong ba nội dung lớn của thành phố đã được Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thông qua tại Hội nghị lần thứ 12, gồm Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Luật Thủ đô (sửa đổi).

    Đây là công việc nặng nề, nhưng là cơ hội “vàng” để thể chế hóa các định hướng phát triển, khát vọng phát triển của thành phố bằng những đồ án, mô hình cụ thể.

    Link gốc: https://tapchixaydung.vn/phat-trien-khong-gian-do-thi-hien-dai-20201224000018809.html

    Thẻ bài viết

    • gian đặc biệt
    • gian hàng
    • gian tiêu chuẩn
    • Máy móc xây dựng
    • ô tô
    • Thép
    • Xây dựng
    Translate »